BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN 2022
Báo cáo tác động liên quan
đến môi trường và xã hội
Tại Hội nghị COP27, Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (“Net Zero”) vào năm 2050 đã công bố tại COP26. Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.

Năm 2022, Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 27 (COP27) được diễn ra tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. COP27 có số lượng người tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay (với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác). Hội nghị COP27 là một tiến trình tiếp nối COP26, nhằm hiện thực hóa các cam kết của các Nguyên thủ quốc gia và tăng cường hợp tác giữa các bên, cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng đang diễn ra rất phức tạp. Tại Hội nghị, Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (“Net Zero”) vào năm 2050 đã công bố tại COP26. Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong năm 2022, sau một thời gian xây dựng và lấy ý kiến, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ 1/6/2023 (Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022). Thông tư đã tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, yêu cầu các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Việc đề cao quản lý rủi ro môi trường khi thẩm định cấp tín dụng cũng sẽ khiến các thành phần kinh tế trong xã hội dần dần có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về biến đổi khí hậu, các yếu tố tác động trong việc bảo vệ môi trường để hướng tới tư duy sản xuất “xanh” và tiêu dùng “xanh”. Từng cá nhân trong xã hội có ý thức thì mỗi doanh nghiệp đầu tư các dự án cũng sẽ phần nào thay đổi mục tiêu, hành động đối với phát triển bền vững. Khung pháp lý cho phát triển bền vững hệ thống ngân hàng tại Việt Nam theo đó cũng đang từng bước được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo động lực cho toàn ngành Ngân hàng thực hành phát triển bền vững.

Với tầm nhìn trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 Ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 Tập đoàn Tài chính Ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 Doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam, Vietcombank tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, chất lượng nguồn nhân lực, quản trị rủi ro... nhằm đảm bảo Vietcombank đáp ứng các tiêu chí về quản trị, môi trường, xã hội thông qua Hệ thống Quản lý Môi trường Xã hội (ESMS) và Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường Xã hội theo định hướng các Chỉ số Phát triển bền vững tại Việt Nam của Bộ tiêu chuẩn VNSI, từng bước hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về Môi trường Quản trị Xã hội (ESG) theo các chuẩn mực quốc tế GRI, TCFD.

Báo cáo phát triển bền vững của Vietcombank là bức tranh tổng thể về hoạt động của Ngân hàng bao gồm Trụ sở chính tại Hà Nội, các Chi nhánh, Công ty con, văn phòng đại diện và phòng giao dịch trên toàn quốc. Thông tin và dữ liệu sử dụng để công bố thông tin được cập nhật theo năm tài chính của Ngân hàng bắt đầu từ ngày 01/01/2022 đến kết thúc ngày 31/12/2022.

Báo cáo phát triển bền vững này được lập dựa trên tham chiếu theo các tiêu chuẩn của Hướng dẫn lập Báo cáo phát triển bền vững của Tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative - GRI) với 4 cấu phần chính: Thông tin chung, các tiêu chuẩn về kinh tế (GRI 200), các tiêu chuẩn về xã hội (GRI 300) và các tiêu chuẩn về môi trường (GRI 400). Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đề cập đến sự tuân thủ của Vietcombank đối với các yêu cầu công khai thông tin về chính sách quản trị công ty (GRI 100).

Các nội dung về phát triển bền vững
TIÊU CHUẨN KINH TẾ

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Vietcombank đạt

~1,8 triệu tỷ đồng

Dư nợ tín dụng vượt

1,15 triệu tỷ đồng

tăng 19% so với năm 2021

Tổng huy động vốn đạt

1,26 triệu tỷ đồng

tăng 9% so với năm trước.

Năm 2022, nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế cũng như biến động của thị trường trong nước. Với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước trụ cột, chủ lực của ngành Ngân hàng, Vietcombank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường và đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả cao. Kết thúc năm 2022, Vietcombank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội với tổng tài sản đạt ~1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2021; Dư nợ tín dụng vượt 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021 và kiểm soát trong mức trần tăng trưởng tín dụng của NHNN giao; Tổng huy động vốn đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Vietcombank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ xấu nội bảng là 7.820 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,68%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 24.779 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức 317,4%, cao nhất ngành Ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank đạt 37.368 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Tại ngày 30/12/2022, quy mô vốn hóa thị trường VCB đạt ~16,5 tỷ USD, tiếp tục ở mức lớn nhất thị trường và lọt vào top 100 Ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu năm 2022 theo Reuters. Với những kết quả kinh doanh ấn tượng, năm 2022 Vietcombank phát sinh thuế và phí phải nộp ngân sách Nhà nước ~10.798 tỷ đồng, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước.

TIÊU CHUẨN VỀ MÔI TRƯỜNG

Trong năm 2022, Vietcombank không vi phạm các quy định về môi trường. Vietcombank luôn tuân thủ các quy định của Pháp luật và tích cực triển khai các định hướng của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các cán bộ nhân viên nâng cao nhận thức và tham gia các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường.

PHÁT THẢI

Khí thải

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, VCB không có hoạt động sản xuất phát sinh khí thải, nước thải trực tiếp, chỉ phát sinh khí thải, nước thải gián tiếp trong quá trình vận hành hoạt động. Đồng thời, VCB cũng không có hoạt động sản xuất phát sinh chất thải nguy hại đối với môi trường xung quanh, chỉ phát sinh chất thải sinh hoạt trong quá trình vận hành hoạt động.

Tiếng ồn

Các trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo phát sinh tiếng ồn ở mức tối thiểu, duy trì môi trường giao dịch yên tĩnh, lịch sự cho khách hàng, tạo môi trường làm việc văn minh, thoải mái cho người lao động.

MÔI TRƯỜNG

Vietcombank luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, hướng đến mô hình Ngân hàng Xanh và tạo dựng một không gian làm việc thân thiện cho người lao động. Bên cạnh đó, Vietcombank luôn đề cao xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh, chú trọng thực hiện tiết kiệm điện, nước, giấy và các vật liệu văn phòng; khuyến khích cán bộ trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi làm việc cũng như có ý thức giữ gìn môi trường làm việc xanh-sạch-đẹp.

TIÊU CHUẨN VỀ XÃ HỘI

Liên quan tới người lao động

Năm 2022, Vietcombank tiếp tục được ghi nhận là một trong các doanh nghiệp đi đầu về chăm lo, bảo vệ Người lao động với việc nhận giải thưởng và được vinh danh tại Lễ trao giải “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động” do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức.

Với mục tiêu cốt lõi lấy con người làm trọng tâm phát triển Vietcombank đã có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách nhân sự và các chế độ phúc lợi của mình, đồng thời kết hợp với các phương thức quản lý hiện đại phù hợp thời chuyển đổi số để quản lý hiệu quả, bài bản và chuyên nghiệp nhất từ khâu tuyển dụng, quản lý hồ sơ nhân sự, đào tạo & phát triển, lương thưởng, phúc lợi. Vietcombank đã và đang thực hiện đổi mới toàn diện công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tinh về số lượng, mạnh về chất lượng, tạo sức mạnh từ nội lực góp phần đưa VCB tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Liên quan tới nhân quyền

Không phân biệt đối xử, sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, ép buộc

Vietcombank luôn đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, không có sự phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, giới tính trong tổ chức. Đặc biệt, Vietcombank đã chú trọng đến công tác quy hoạch và bố trí cán bộ quản lý nữ. Nguồn cán bộ nữ tại Vietcombank chiếm tới hơn 60% số lượng nhân sự toàn hệ thống, trong đó có tới 45,7% cán bộ nữ được quy hoạch cán bộ quản lý giai đoạn năm 2016-2021, tương đương 854 người. Trong giai đoạn năm 2021-2022 số lượng quy hoạch này có xu hướng tăng lên đạt 53,8%, tương đương 1.029 người. Điều này cho thấy, sự bình đẳng giới và sự quan tâm của Ban Lãnh đạo trong việc sử dụng lao động nữ trong toàn hệ thống Vietcombank.
Bên cạnh đó, Vietcombank không sử dụng lao động trẻ em và luôn chủ động chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động.

Trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội

Năm 2022, Vietcombank tiếp tục thực hiện khảo sát định đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng để từng bước cải thiện chất lượng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, tiếp nối và phát huy truyền thống là một Ngân hàng Xanh - Vì cộng đồng, trong năm 2022, VCB đã cam kết triển khai các chương trình an sinh xã hội với tổng ngân sách ~490 tỷ đồng. Trong đó ngân sách cam kết chi cho:
  • Hoạt động an sinh xã hội và thiện nguyện chiếm ~40% tổng ngân sách cam kết;
  • Hoạt động y tế, giáo dục, đầu tư phát triển cộng đồng chiếm ~42% tổng ngân sách cam kết;
  • Hoạt động chống Covid-19 và hoạt động khác chiếm ~18% tổng ngân sách cam kết.
Một số hoạt động tiêu biểu như triển khai chương trình ủng hộ “Tết vì người nghèo” 2023 với số tiền hỗ trợ hơn 20,8 tỷ đồng; cam kết xây nhà tình nghĩa cho người nghèo với số tiền ~106,44 tỷ đồng, cam kết tài trợ cho giáo dục với số tiền ~164,83 tỷ đồng...
Các hoạt động an sinh xã hội
HOẠT ĐỘNG AN SINH XÃ HỘI VIETCOMBANK
Với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một Ngân hàng Xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng, hoạt động an sinh xã hội của Vietcombank không ngừng được đẩy mạnh với nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, được triển khai trên quy mô lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.

Chuỗi hoạt động an sinh xã hội được Vietcombank triển khai suốt nhiều năm qua với sự tham gia tích cực từ trụ sở chính đến các chi nhánh, công ty trực thuộc trên toàn quốc, mục tiêu của các hoạt động không nằm ngoài việc chia sẻ khó khăn và nâng cao chất lượng đời sống dân nghèo tại những địa phương còn nhiều khó khăn trên cả nước.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, số tiền dành cho hoạt động an sinh xã hội của Vietcombank là hơn

1.798 tỷ đồng

Số tiền Vietcombank đã dành cho công tác an sinh xã hội trong năm 2022

382 tỷ đồng

thông tin số liệu về AN SINH XÃ HỘI năm 2022
và giai đoạn 5 năm 2018-2022
Tổng số tiền tài trợ
cho hoạt động an sinh
xã hội của Vietcombank

Năm 2022

382.700

triệu đồng

Giai đoạn 5 năm (2018 - 2022)

1.798.373

triệu đồng

TT Mục đích tài trợ Giá trị thực hiện năm 2022
(ĐVT: triệu đồng)
1 Giáo dục 134.167
2 Y tế 14.319
3 Hỗ trợ Covid-19 11.949
4 Tài trợ cho người nghèo/xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết... 178.533
5 Khắc phục hậu quả thiên tai 342
6 Lĩnh vực khác 43.390