1.1 THÔNG TIN KHÁI QUÁT

  • Tên giao dịch tiếng Việt

    NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN - HÀ NỘI
  • Tên tiếng Anh

    SAIGON HANOI COMMERCIAL JOINT STOCK BANK
  • Tên viết tắt

    SHB
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số

    1800278630 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp
    • Đăng ký lần đầu

      Ngày 10/12/1993
    • Đăng kí thay đổi lần thứ 32

      Ngày 17/01/2023
  • Vốn điều lệ

    30.673.832 triệu đồng
  • Vốn chủ sở hữu

    42.904.471 triệu đồng
  • Địa chỉ

    77 Trần Hưng Đạo – Quận Hoàn Kiếm – TP. Hà Nội
  • Điện thoại

    (024) 3942 3388
  • Fax

    (024) 3941 0944
  • SWIFT

    SACLVNVX

    Website

    www.shb.com.vn
  • Mã cổ phiếu

    SHB

1.2. Quá trình hình thành và phát triển
Hành trình đổi mới

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái, được thành lập năm 1993 tại Cần Thơ. Năm 2006, Ngân hàng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), chuyển trụ sở từ Cần Thơ ra Hà Nội và niêm yết trên sàn Chứng khoán Hà Nội vào năm 2009. Đến nay, mạng lưới của Ngân hàng phát triển tại gần 50 tỉnh thành với 539 điểm giao dịch trong nước và nước ngoài. Tổng tài sản Ngân hàng đạt 551.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, đứng trong nhóm 5 NH TMCP tư nhân có quy mô lớn nhất.

1.2.1. Ngày thành lập
  • SHB được thành lập ngày 13/11/1993 theo Quyết định số 214/QĐ-NH5 và Giấy phép hoạt động số 0041-NH/GP của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Nhơn Ái. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 1800278630 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp, thay đổi lần thứ 32, ngày 17/01/2023.
1.2.2. Thời điểm niêm yết
  • SHB niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quyết định số 399/QĐ-SGDHN, ngày bắt đầu giao dịch 20/04/2009.
1.2.3. Các giai đoạn phát triển
  • 30 năm phát triển là 30 năm đổi mới liên tục của SHB, từ một ngân hàng thương mại nông thôn nhỏ tại Cần Thơ đã chuyển mình trở thành một ngân hàng TMCP lớn top 5 cả nước.
1993 - 2006

KHỞI ĐẦU TỪ TÂM TRỌN NIỀM TIN

2007 - 2011

GIAI ĐOẠN CHUYỂN MÌNH, NHẤT TÂM TẠO DỰNG UY TÍN

2012 - 2016

GẶP THÁCH THỨC, LẤY TÂM VÀ TRÍ BIẾN THÀNH CƠ HỘI

2017 - 2022

THỜI KỲ PHÁT TRIỂN, DỤNG TÂM ĐỂ TÍCH LŨY TRI THỨC

Năm 2023 -
tương lai

HÀNH TRÌNH ĐẾN TƯƠNG LAI, TỪ TÂM VƯƠN TẦM CAO MỚI

  • 1993

    Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông Thôn Nhơn Ái, được thành lập ngày 13/11/1993 tại Cần Thơ.

  • 2006

    Năm 2006, Ngân hàng TMCP Nông Thôn Nhơn Ái được chuyển đổi mô hình hoạt động lên Ngân hàng TMCP đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Chỉ sau 5 năm chuyển đổi mô hình hoạt động thành một ngân hàng đô thị, SHB áp dụng một loạt các giải pháp đổi mới tổng thể từ mở rộng quy mô hoạt động, phát triển mạng lưới, đầu tư công nghệ, tăng cường nhân sự… Đây là giai đoạn tạo cơ sở vững chắc để SHB đẩy mạnh triển khai các chiến lược phát triển sau này.
  • 2008

    Chuyển trụ sở chính từ Cần Thơ ra Hà Nội, khẳng định bước ngoặt lớn trong quy mô, vị thế và tiềm lực của Ngân hàng với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

  • 2009

    Là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội.

  • 2011

    Tăng cường quy mô hoạt động với việc tăng vốn điều lệ lên gần 5.000 tỷ đồng, được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mở CN tại Campuchia và Lào, khởi đầu cho việc đầu tư ra nước ngoài của SHB. Cùng trong năm này, nhân dịp kỉ niệm 18 năm thành lập, SHB vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng, ghi nhận những nỗ lực hoạt động và quá trình phát triển của SHB.

Đây là giai đoạn khó khăn đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng nói chung. Trong bối cảnh chung ấy, SHB kiên trì nguyên lý lấy TÂM để dưỡng TRÍ, biến thách thức thành cơ hội để chuyển mình. Quyết tâm vượt lên nhưng cũng nỗ lực hòa nhập, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, tổ chức tín dụng của Nhà nước vì lợi ích quốc gia.
  • 2012

    Là một trong những ngân hàng đi tiên phong mở rộng mạng lưới kinh doanh ra thị trường quốc tế thông qua việc mở chi nhánh tại Campuchia tháng 2/2012 với vốn điều lệ ban đầu 37 triệu USD và chi nhánh tại Lào tháng 8/2012 với vốn điều lệ 104 tỷ Kíp Lào; Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ với việc nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) tháng 8/2012.

  • 2013

    Kỷ niệm 20 năm thành lập, SHB vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng, đánh dấu sự thành công qua quá trình phát triển.

  • 2015

    Tăng vốn điều lệ lên 9.500 tỷ đồng, mạng lưới giao dịch tăng lên gần 500 điểm trong và ngoài nước.

  • 2016

    Tăng vốn điều lệ lên 11.197 tỷ đồng.

    Khai trương Ngân hàng con 100% vốn tại Lào ngày 15/1/2016 và ngân hàng con 100% vốn tại Campuchia ngày 9/9/2016 - thể hiện những nỗ lực vượt bậc của SHB sau thời gian kinh doanh tại 2 thị trường này ở cấp độ chi nhánh; Nhận sáp nhập Công ty cổ phần Tài chính Vinaconex Viettel (VVF) tháng 12/2016 và thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV SHB (SHB FC).

Thời gian vừa là cơ hội, vừa là thước đo cho sự trưởng thành. Cho đến thời điểm 1 năm trước khi cán mốc 30 năm (2023) SHB đã bước vào tuổi tráng niên theo quan niệm của người xưa “Tam thập nhi lập”, như một cơ thể thành niên lành mạnh và ổn định về thể chất thì cơ hội và khát vọng tích lũy tri thức trở thành một mệnh lệnh của cuộc sống. Sự đổi mới mạnh mẽ với chiến lược tối ưu bộ máy quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số là môi trường sinh thái cho sự phát triển hiệu quả của SHB.
Mỗi đỉnh cao lại là một khởi điểm cho hành trình đi tới tương lai. Cột mốc 30 năm chính là sự khởi động cho những cao vọng và cộng đồng SHB phải vươn tới, phải chinh phục thị trường với niềm tin vào những gì đã tích lũy được trong 3 thập kỷ qua. Vẫn từ TÂM xác lập niềm TIN, tạo dựng chữ TÍN,... tích lũy TRI thức, đạt tầm TRÍ tuệ để không ngừng vươn tới TẦM cao hơn nữa.

Với 6 giá trị cốt lõi “Tâm - Tin - Tín - Tri - Trí - Tầm” và phương châm hoạt động “Đối tác tin cậy - Giải pháp phù hợp” cùng chiến lược kinh doanh luôn đổi mới nhằm mang lại giá trị lợi ích cho khách hàng, sự thịnh vượng cho các cổ đông - nhà đầu tư, SHB luôn làm hài lòng khách hàng, đối tác với những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đồng bộ, tiện ích, chất lượng và cạnh tranh với phong cách phục vụ chuyên nghiệp.

Không ngừng nỗ lực, SHB phấn đấu trở thành Ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam; ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu của khu vực.

1.3. NGÀNH NGHỀ & ĐỊA BÀN KINH DOANH

1.3.1. NGÀNH NGHỀ KINH DOANH

SHB luôn đổi mới và phát triển các sản phẩm dịch vụ về tài chính ngân hàng phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường.

  • Ngành nghề kinh doanh chính của ngân hàng là thực hiện các giao dịch huy động và nhận tiền gửi ngắn, trung và dài hạn từ các tổ chức và cá nhân;
  • Cho vay ngắn, trung hạn và dài hạn từ các tổ chức và cá nhân;
  • Thực hiện các giao dịch ngoại tệ, các dịch vụ tài trợ thương mại quốc tế, chiết khấu thương phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
  • Bao thanh toán, dịch vụ bảo quản tài sản và cho thuê tủ, két an toàn (bao gồm cả dịch vụ giữ hộ, bảo quản vàng);
  • Đại lý bảo hiểm;
  • Ủy thác cho vay và nhận ủy thác cho vay;
  • Cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu công cụ chuyển nhượng giấy tờ có giá khác.
1.3.2. Địa bàn kinh doanh

SHB luôn đổi mới và mở rộng địa bàn kinh doanh để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.

Đến ngày 31/12/2022, SHB tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng tổng số điểm giao dịch lên 539 điểm, hoạt động tại gần 50 tỉnh, thành phố trong nước, là những tỉnh thành phố lớn trực thuộc trung ương, những tỉnh/thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh trên cả nước.

Tại nước ngoài: SHB đã có mặt tại 3 nước Đông Nam Á là CHDCND Lào (Viêng Chăn, Champasak, Savannakhet), Vương Quốc Campuchia (Phnom Penh, Kampong Thom, Nehru,…), Myanmar và đang làm thủ tục mở ngân hàng con tại Bờ biển Ngà.

(Chi tiết địa bàn kinh doanh kính mời Quý vị xem mục Mạng lưới hoạt động, trang 136)

1.4. MÔ HÌNH QUẢN TRỊ, TỔ CHỨC KINH DOANH VÀ BỘ MÁY QUẢN LÝ

1.4.1. Mô hình quản trị

SHB luôn chú trọng hoàn thiện và đổi mới bộ máy tổ chức đảm bảo việc quản trị được thực hiện theo mô hình hiện đại, tinh gọn, chặt chẽ và tối ưu, phù hợp với chiến lược phát triển theo hướng trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng.

1.4.2. Cơ cấu bộ máy quản lý
1.4.3. Công ty con, công ty liên kết
Công ty con
TÊN CÔNG TY ĐỊA CHỈ LĨNH VỰC KINH DOANH CHÍNH VỐN ĐIỀU LỆ THỰC GÓP VỐN GÓP CỦA SHB TỶ LỆ NẮM GIỮ
CÔNG TY CON TRONG NƯỚC
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SHB (SHAMC) Tầng 14 tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội Quản lý nợ và khai thác tài sản 20 tỷ đồng 20 tỷ đồng 100%
Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB FC) Toà nhà GELEX, 52 Phố Lê Đại Hành, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội Tài chính, ngân hàng 1.000 tỷ đồng 1.000 tỷ đồng 100%
CÔNG TY CON Ở NƯỚC NGOÀI
Ngân hàng TNHH MTV SHB Lào Đường Lanexang, Bản Hatsadytai, Huyện Chanthabouly, Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Tài chính, ngân hàng 1.158 tỷ đồng 1.158 tỷ đồng 100%
Ngân hàng TNHH Sài Gòn - Hà Nội Campuchia Tòa nhà số 107, Đại lộ Norodom, Phường Boeng Rang, Quận Doun Penh, Phnom Penh, Campuchia Tài chính, ngân hàng 1.749 tỷ đồng 1.749 tỷ đồng 100%
CÔNG TY CON TRONG NƯỚC
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SHB (SHAMC) Tầng 14 tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội Quản lý nợ và khai thác tài sản 20 tỷ đồng 20 tỷ đồng 100%
Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB FC) Toà nhà GELEX, 52 Phố Lê Đại Hành, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội Tài chính, ngân hàng 1.000 tỷ đồng 1.000 tỷ đồng 100%
CÔNG TY CON Ở NƯỚC NGOÀI
Ngân hàng TNHH MTV SHB Lào Đường Lanexang, Bản Hatsadytai, Huyện Chanthabuly, Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tài chính, ngân hàng 1.158 tỷ đồng 1.158 tỷ đồng 100%
Ngân hàng TNHH Sài Gòn - Hà Nội Campuchia Tòa nhà số 107, Đại lộ Norodom, Phường Boeng Rang, Quận Doun Penh, Phnom Penh, Campuchia Tài chính, ngân hàng 1.749 tỷ đồng 1.749 tỷ đồng 100%

1.5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Định hướng của SHB là trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng công nghệ số, phát huy hệ sinh thái khách hàng và chuỗi giá trị mà SHB đang có.

SHB luôn xác định lấy khách hàng là trọng tâm, động lực thúc đẩy là con người và công nghệ, các yếu tố về quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm, dịch vụ,... là nền tảng của sự phát triển.

Các mục tiêu tài chính chủ yếu năm 2023

Tổng tài sản
tăng

8% - 9%

Huy động vốn từ TCKT
và cá nhân tăng

12% - 15%

Dư nợ cấp tín dụng
tăng

10% - 14%

Lợi nhuận trước thuế
tăng

10%

Tỷ lệ nợ xấu

<2%
Mục tiêu trung và dài hạn

Mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2027, cùng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, SHB sẽ trở thành Ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

1.6. CÁC RỦI RO

Năm 2022, SHB tiếp tục tăng cường công tác quản lý rủi ro chủ động và chặt chẽ trong môi trường nhiều biến động trên thế giới và ảnh hưởng đến các thị trường trong nước. Các rủi ro được nhận diện, đánh giá định kỳ và được báo cáo kịp thời đến Ban Điều hành và Hội đồng Quản trị, đảm bảo việc kiểm soát và có các giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh, danh tiếng của ngân hàng.
1.6.1 Cơ hội và thách thức
Cơ hội

Các yếu tố vĩ mô thuận lợi giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng tiếp đà tăng trưởng cao sau sự gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn cùng nhiều yếu tố bất định, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ và đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 8%. Kết quả này đến từ tổng hòa các giá trị và lợi thế như: tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế với những động lực phát triển nhanh, thị trường tiêu thụ lớn, sức hút nguồn vốn FDI mạnh, nhiều hiệp định thương mại tự do hậu thuẫn cho hoạt động xuất nhập khẩu,… Cùng đó, Việt Nam đã khẳng định năng lực thích ứng với những biến động, có các chính sách linh hoạt và kịp thời để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những thách thức và tiếp đà phục hồi. Đây cũng chính là cơ sở để kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo tiếp tục có triển vọng tích cực.

Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, NHNN đã ban hành chương trình hành động, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng vốn của các NHTM, tiếp tục các giải pháp phòng ngừa tối đa nợ xấu phát sinh, đồng thời khuyến khích và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống. Với việc thực hiện những giải pháp đồng bộ, thị trường và hoạt động ngân hàng đang ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp, khẳng định vai trò chủ chốt trong nền kinh tế.

YẾU TỐ VĨ MÔ TÁC ĐỘNG LÊN HỆ THỐNG
NGÂN HÀNG TRONG ĐÓ CÓ SHB
Xu hướng Trung Hạn Dài hạn
>Tăng trưởng kinh tế ổn định; cơ cấu tăng trưởng chuyển dịch sang hướng bền vững Ổn định Tích cực Tích cực
>Lạm phát được kiểm soát gắn với chính sách điều hành thận trọng Ổn định Tích cực Tích cực
>Lĩnh vực sản xuất tiềm năng và liên tục được cải thiện Tăng Tích cực Tích cực
>Khu vực tư nhân được đề cao khẳng định động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng Tăng Tích cực Tích cực
Hấp thụ dòng vốn đầu tư dài hạn Tăng Tích cực Tích cực
>Cơ cấu dân số lao động trẻ tăng và có xu hướng chuyển dịch sang vùng kinh tế trọng tâm Tăng Tích cực Tích cực
>Thương mại XNK chịu nhiều áp lực ngắn hạn từ xung đột lợi ích thương mại toàn cầu giữa các nước lớn Tăng Tiêu cực Ổn định
>Tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu giúp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu Cải thiện Tích cực Tích cực
Thách thức
Thứ nhất

Tín dụng khởi sắc tiềm ẩn nguy cơ tăng trưởng nóng đi kèm rủi ro nợ xấu gia tăng và hiệu quả thấp do dự phòng rủi ro tăng.

Thứ hai

Gia tăng các rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng ưa thích của tội phạm công nghệ với tần suất, quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn.

Thứ ba

Áp lực về tăng vốn vẫn tiếp tục trong ngành Ngân hàng để đảm bảo các chỉ số an toàn trong khi các điều kiện tăng vốn không mấy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế đang còn trong quá trình phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo chậm lại ở mức 6,0 – 6,5%, thách thức về tỷ giá và lãi suất vẫn còn lớn.

Cuối cùng

Tốc độ phát triển nhanh chóng của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng có thể tạo ra các thách thức trong công tác giám sát của cơ quan quản lý như: vấn đề đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền lợi người tiêu dùng, nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố,…

1.6.2 Những rủi ro đặc thù
Khung quản trị rủi ro tại SHB

SHB thiết lập khung quản trị rủi ro đảm bảo có đầy đủ hệ thống chính sách, quy định, quy trình, hướng dẫn để điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng theo đúng định hướng chiến lược và mục tiêu quản trị rủi ro của Ngân hàng. Trong đó, các loại rủi ro trọng yếu của Ngân hàng đều được nhận dạng, đo lường và kiểm soát, đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn đầy đủ, tương xứng với hồ sơ rủi ro của Ngân hàng.

Nhằm đảm bảo khung quản trị rủi ro được hiệu quả, SHB đã thiết lập đầy đủ hệ thống thông tin, cùng với hệ thống báo cáo quản trị nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, kịp thời, chính xác về mức độ rủi ro của Ngân hàng, cung cấp các dự báo về hoạt động kinh doanh, chất lượng tín dụng, phục vụ cho việc đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, hiệu quả. SHB cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo, truyền thông làm nền tảng xây dựng văn hóa rủi ro xuyên suốt trong hệ thống.

Cơ cấu kiểm soát, giám sát và quản trị rủi ro tại SHB
An toàn vốn

SHB đã hoàn tất 03 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II từ năm 2020, triển khai đánh giá nội bộ mức đủ vốn (ICAAP) định kỳ hàng năm từ năm 2021, đáp ứng tuân thủ toàn diện các yêu cầu của NHNN về hoạt động quản trị rủi ro nói riêng và hệ thống kiểm soát nội bộ nói chung.

Ban lãnh đạo SHB luôn nhất quán chủ trương về quản trị rủi ro và an toàn vốn, trong đó xác định việc hoàn thành 03 trụ cột của Basel không phải là một điểm dừng mà là một bước khởi đầu trong cả lộ trình nhằm nâng cao khung năng lực quản trị rủi ro của Ngân hàng, hướng đến áp dụng các chuẩn mực quốc tế nâng cao.

Trên cơ sở đó, trong năm 2022, SHB đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai nâng cấp công cụ đo lường QLRR thanh khoản theo tiêu chuẩn Basel III, áp dụng các chỉ số LCR, NSFR để theo dõi/giám sát nội bộ từ năm 2023. Đồng thời, triển khai các dự án nhằm kiện toàn các mô hình đo lường rủi ro, tính vốn theo phương pháp nâng cao Basel II đối với rủi ro tín dụng. Kết quả triển khai các Dự án này sẽ được SHB ứng dụng vào hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ngân hàng.

1.6.3. Quản lý các rủi ro trọng yếu