Báo cáo thường niên DPM 2020

thông điệp của chủ tịch hđqt

PVFCCo ĐÃ CỦNG CỐ VỊ TRÍ DẪN ĐẦU NGÀNH PHÂN BÓN TRONG NƯỚC, VỚI TỔNG SẢN LƯỢNG KINH DOANH ĐẠT 1,23 TRIỆU TẤN, TĂNG 13% SO VỚI CÙNG KỲ, ĐẠT QUY MÔ DOANH THU 8.038 TỶ ĐỒNG, TĂNG 3% SO VỚI NĂM TRƯỚC TRONG BỐI CẢNH GIÁ BÁN GIẢM MẠNH.

Doanh thu

8.038

TỶ VNĐ
SẢN LƯỢNG KỶ LỤC

866

NGHÌN TẤN

Nhà máy đạm Phú Mỹ, sau đợt bảo dưỡng, thay thế thiết bị kéo dài 72 ngày trong năm 2019 đã vận hành ổn định, đạt hiệu suất cao, cán mốc sản lượng năm kỷ lục gần 866 nghìn tấn, vượt 10% so với kế hoạch năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Kính gửi quý cổ đông, đối tác và đồng nghiệp,

Năm 2020, thế giới chứng kiến những biến động và thay đổi chưa từng có. Thảm họa dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ đầu thế kỷ 21. Cuộc khủng hoảng đặt ra những thách thức và đòi hỏi phải thay đổi đối với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp và ngay cả từng cá nhân để tiếp tục tồn tại và phát triển trong một bối cảnh được gọi là “bình thường mới”. Những thách thức và hệ lụy kéo theo đã chứng kiến sức bền và khả năng thích ứng của các nền kinh tế trên toàn cầu. Hầu hết các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu đều tăng trưởng âm (GDP giảm từ 10-15%). Việt Nam là một trong số ít quốc gia giữ được nhịp tăng trưởng kinh tế.

PVFCCo đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2019, hoàn thành vượt mức các mục tiêu trọng yếu đã đề ra và bước vào năm 2020 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành phân bón tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi thời tiết có nhiều thay đổi bất thường, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp, dồn dập trong những tháng cuối năm, giá bán các mặt hàng phân bón giảm mạnh sau giai đoạn hồi phục.

Trong những tháng đầu năm, khi những ca bệnh Covid-19 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam và có dấu hiệu lan rộng, kéo theo giai đoạn giãn cách toàn xã hội trong tháng 3 và đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh với nhiều hoài nghi, lo lắng về một năm bất ổn đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo PVFCCo đã nhanh chóng phân tích, nhận diện và dự liệu được những khó khăn, thách thức phải đối mặt, nhưng cũng bao gồm cả kỳ vọng về những cơ hội và thời cơ trước mắt cần nắm bắt, thay đổi. Tổng công ty đã sớm chủ động xây dựng và kích hoạt gói giải pháp ứng phó khủng hoảng, trong đó, ưu tiên triển khai các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ, triệt để trong toàn hệ thống, đặc biệt, tại các cơ sở sản xuất với mục tiêu đảm bảo sản xuất, kinh doanh ổn định và hiệu quả. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, áp dụng linh hoạt phương thức làm việc của các bộ phận nhằm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, các nhà máy của Tổng công ty vẫn đảm bảo được công suất tối đa, vận hành an toàn ổn định, với mục tiêu tăng sản lượng tối đa nhằm tận dụng cơ hội khi giá khí nguyên liệu đầu vào giảm mạnh theo giá dầu. Nhà máy đạm Phú Mỹ, sau đợt bảo dưỡng, thay thế thiết bị kéo dài 72 ngày trong năm 2019 đã vận hành ổn định, đạt hiệu suất cao, cán mốc sản lượng năm kỷ lục gần 866 nghìn tấn, vượt 10% so với kế hoạch năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch trên phạm vi toàn cầu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi một số nhà máy sản xuất urê phải ngừng hoặc giảm công suất, dẫn tới sản lượng phân bón nhập khẩu tại thị trường Việt Nam sụt giảm mạnh so với những năm trước và triển vọng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Ấn Độ, Brazil lại tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu mùa vụ. Trong năm 2020, Việt Nam đã giảm mạnh nhập khẩu urê và đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu urê cả năm ước đạt gần 450 nghìn tấn, tăng 133% so với năm 2019 và cao gấp 4 lần so với sản lượng nhập khẩu trong năm. PVFCCo đã tận dụng cơ hội nhu cầu và giá bán trên thị trường quốc tế hồi phục, đạt sản lượng xuất khẩu urê gần 71 nghìn tấn trong quý 3. Đây là sản lượng xuất khẩu cao nhất trong quý, lớn nhất từ trước tới nay, góp phần hỗ trợ sản lượng bán hàng trong nước trong bối cảnh thị trường tiếp tục khó khăn do dịch bệnh kéo dài, thời tiết diễn biến bất lợi và giá bán giảm.

Nhà máy NPK, mặc dù chưa đạt được mức sản lượng mục tiêu, nhưng đã cải thiện được công suất và chất lượng sản phẩm, với sản lượng sản xuất và kinh doanh tăng trưởng tương ứng 36% và 23% so với năm 2019. Sự hồi phục mạnh sản lượng của 2 sản phẩm chủ đạo là urê và NPK trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào giảm sâu đã giúp PVFCCo cải thiện mạnh mẽ biên lợi nhuận chung trong bối cảnh giá bán trung bình các mặt hàng phân bón, hóa chất đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

PVFCCo đã củng cố vị trí dẫn đầu ngành phân bón trong nước, với tổng sản lượng kinh doanh đạt 1,23 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ, đạt quy mô doanh thu 8.038 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước trong bối cảnh giá bán giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế hồi phục mạnh, tăng 80% so với cùng kỳ, đạt 702 tỷ đồng, mức cao nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành trong nước.

Trước những yêu cầu từ các cổ đông, trong năm qua, Ban lãnh đạo PVFCCo đã mạnh mẽ và quyết liệt trong tái cơ cấu, tổ chức lại bộ máy điều hành, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị rủi ro nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, đồng thời vẫn đảm bảo ổn định quyền lợi của người lao động trong toàn hệ thống. Đây là bước khởi đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2020-2025 cùng với việc rà soát, hoạch định các mục tiêu chiến lược phát triển mới, toàn diện hơn.

Với kết quả hoạt động khởi sắc trong năm qua, PVFCCo ghi nhận sâu sắc nỗ lực vượt bậc của toàn thể đội ngũ người lao động và Ban lãnh đạo nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả, mạnh dạn và đồng lòng thay đổi trong bối cảnh mới, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trọng yếu mà cổ đông giao phó.

Chúng ta chào đón Năm mới 2021 với tâm thế của những người vừa cảm thấy nhẹ nhõm sau một năm vượt khó thành công, nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với thách thức, khó khăn chưa hề giảm đi mà dự báo còn cam go hơn. Những nhiệm vụ hàng đầu của Tổng công ty trong năm 2021 là: Duy trì hoạt động sản xuất ở mức tối đa về sản lượng và hiệu quả trước và sau khi bảo dưỡng tổng thể Nhà máy; Ổn định và nâng cao công suất hoạt động xưởng NPK; Hoàn tất các công việc cuối cùng của dự án để tập trung vào khai thác, vận hành; Nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm; Tổ chức hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm linh hoạt, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, giữ vững và gia tăng thị phần các sản phẩm chính; Tích cực phát triển sản phẩm mới và ứng dụng số hóa trong mọi mặt hoạt động; Thúc đẩy công tác rà soát và hoạch định chiến lược trung, dài hạn; Xây dựng phương án và triển khai thực hiện hợp lý, hiệu quả công tác tái cơ cấu; Khơi dậy và tái tạo các giá trị văn hóa PVFCCo thấm nhuần và rõ nét trong toàn hệ thống PVFCCo.

Với vị thế, uy tín và sức mạnh được bồi đắp và củng cố, cùng với nỗ lực và sự cống hiến không ngừng của tập thể người lao động, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng PVFCCo sẽ tiếp tục vững vàng vượt qua giai đoạn thử thách tiếp theo, trong bối cảnh “bình thường mới”, để tiếp tục phát triển thành một tổ chức vững mạnh hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển, ổn định của ngành nông nghiệp, qua đó, không ngừng gia tăng giá trị cho khách hàng, cổ đông và lợi ích của người lao động.

Xin chân thành cám ơn!
TM. Ban lãnh đạo
Chủ tịch Hội đồng quản trị

Nguyễn Tiến Vinh

Đọc tiếp
LOGO DPM-01