BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN 2020

BÁO CÁO CỦA BAN Tổng giám Đốc

TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG, NGÀNH VÀ BẢN LĨNH GEMADEPT
TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG

Năm 2020 được xem là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu dưới tác động từ Đại dịch Covid-19, thiên tai và các vấn đề địa chính trị. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ công nghiệp, giao thương, vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, giải trí... đồng loạt bị ảnh hưởng, hàng chục nền kinh tế trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái. Kinh tế toàn cầu phải gánh chịu mức tổn thất nặng nề, dai dẳng chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, với thiệt hại ước tính có thể lên tới 28 nghìn tỷ USD đến năm 2025 (Theo IMF).

Đối lập với bức tranh kinh tế ảm đạm của thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia hiếm hoi trong ASEAN đạt mức tăng trưởng dương và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%. Hoạt động xuất khẩu duy trì tăng trưởng dương với xuất siêu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục (19,1 tỷ USD) và cán cân thương mại duy trì xuất siêu 5 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Bước sang năm 2021, tốc độ phục hồi tăng trưởng toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai thành công các chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tinh thần hợp tác của các quốc gia và năng lực tự cường của mỗi doanh nghiệp.

Trong nước, với sự chủ động và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ với GDP dự kiến tăng lên 6,5% và tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5% so với năm 2020. Trong đó, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2021 sẽ đến từ việc kiểm soát đại dịch một cách hiệu quả, sự phục hồi sức mua thị trường nội địa, tăng cường đầu tư tư nhân và thúc đẩy xuất khẩu sang EU và ASEAN.

Ngành khai thác cảng và logictis

Năm 2020 với đại dịch Covid-19 đã tạo nên những vết thương nghiêm trọng, gây cản trở và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng thiếu và mất cân bằng container trầm trọng đã và đang đẩy chi phí vận chuyển tăng vọt và gây ra sự trì hoãn trong việc chuyển giao hàng hóa. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại hàng hải toàn cầu ước giảm 4,1% vào năm 2020 và có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng chỉ ở mức 4,8% vào năm 2021.

Trong nước, sau hàng loạt các chính sách về kiểm soát, cứu trợ, hỗ trợ… của Chính phủ, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của các ngành trong chuỗi cung ứng. Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine), trong năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua các cảng biển Việt Nam tăng 9,8%, trong đó sản lượng container quốc tế tăng 9% lên 14,4 triệu TEU.

Bước sang năm 2021, những dư chấn từ đại dịch có thể vẫn sẽ còn và kéo dài. Tuy nhiên, với những chuyển biến tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu, cùng xu hướng vận tải biển bằng đội tàu trọng tải lớn, và kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính Phủ ban hành đầu năm 2021, ngành cảng biển và logistics Việt Nam được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Gemadept – Vàng trong lửa

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Năm 2020, Gemadept kỷ niệm mốc son 30 năm hình thành và phát triển trong bối cảnh thị trường và ngành hết sức đặc biệt. Với bản lĩnh và kinh nghiệm của người tiên phong, vượt trở ngại Gemadept lại một lần nữa hoàn thành xuất sắc kế hoạch được ĐHĐCĐ năm 2020 giao phó trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài nghiêm trọng trong suốt năm 2020.

Với những định hướng phát triển tập trung vào thương mại điện tử, bán lẻ, chuỗi cung ứng lạnh, tích hợp và phát huy sức mạnh hợp tác từ khách hàng, đối tác… hoạt động Logistics của Gemadept đã đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng. Trong lĩnh vực Khai thác cảng, luôn sàng lọc thách thức, tìm kiếm cơ hội, Gemadept đã nỗ lực khắc phục những khó khăn để hoàn thành siêu cảng biển nước sâu Gemalink đúng tiến độ cam kết, kịp thời chính thức đưa cảng vào vận hành ngay từ cuối năm 2020, cùng hệ thống cảng hiện hữu của Gemadept sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển mới. Để đạt được thành quả quan trọng đó, trong năm 2020, cùng với sự đồng hành của đối tác, khách hàng và toàn thể cán bộ nhân viên trong Tập đoàn, các chính sách thực thi đã được triển khai thực hiện sát sao, linh hoạt, quyết đoán để ứng phó và vượt qua đại dịch, đảm bảo tối ưu hóa chi phí và hoạt động kinh doanh được thông suốt. Bước sang năm 2021, với triển vọng khởi sắc hơn từ thương mại hậu Covid-19, sự hồi phục của chuỗi cung ứng cùng những chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển ngành, toàn thể cán bộ nhân viên và Ban Lãnh đạo Gemadept sẽ tiếp tục cùng nhau kiên định, đồng lòng vượt qua những thách thức để đưa Gemadept tăng tốc bứt phá và vững bước trường tồn trên chặng đường phát triển mới.

ĐIỂM NHẤN/TOÀN CẢNH HOẠT ĐỘNG GEMADEPT 2020
THÁNG 01/2020

New Year Party 2020 - Kỷ niệm 30 năm thành lập Gemadept

Gemadept kỷ niệm tròn 30 năm vươn lên cùng đất nước, hành trình 30 năm của ý chí và nỗ lực không mệt mỏi, 30 năm chuyển mình lột xác từ một doanh nghiệp khởi nghiệp với “3 KHÔNG - Không đất đai, Không nhà xưởng, Không một đồng ngân sách” - trở thành một tên tuổi hàng đầu trong ngành Khai thác cảng và Logistics tại Việt Nam, góp phần ghi tên Việt Nam vào bản đồ ngành hàng hải của khu vực và thế giới.

THÁNG 04/2020

Khai thác dịch vụ Hải Phòng – Shekou – Huamen tại Cảng Nam Hải

Tiếp tục đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường, đa dạng hóa dịch vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Cảng Nam Hải đã khai thác chuyến tàu đầu tiên thuộc dịch vụ Hải Phòng - Shekou - Huamen do hãng tàu ASL vận hành, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ theo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của Chính Phủ.

THÁNG 05/2020

Nam Hải Đình Vũ trở thành cảng đầu tiên tại khu vực Đình Vũ tiếp nhận cỡ tàu 48.000DWT

Với quyết định của Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 48.000DWT, Cảng Nam Hải Đình Vũ đã trở thành cảng đầu tiên tại khu vực Đình Vũ có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn gần 50.000DWT vào làm hàng. Điều này thực sự ý nghĩa, đánh dấu một chương phát triển mới của Cảng trong xu thế gia tăng cỡ tàu trên thế giới cũng như kịp thời đón lượng lớn dòng dịch chuyển luồng hàng từ khu vực thượng lưu đổ về.

THÁNG 06/2020

Gemadept được Forbes vinh danh trong top “50 Công ty niêm yết tốt nhất” năm 2020

Việc Forbes Việt Nam vinh danh Gemadept như là doanh nghiệp duy nhất đại diện ngành Logistics trong danh sách top “50 Công ty niêm yết tốt nhất” năm 2020 đã một lần nữa ghi nhận những nỗ lực phát triển bền bỉ và những cống hiến của Gemadept đối với ngành và đất nước trong suốt thời gian qua.

THÁNG 07/2020

Dự án Cảng nước sâu Gemalink tiếp nhận 2 thiết bị cẩu STS đầu tiên

Bất chấp tình hình khó khăn do dịch Covid-19, Gemadept và các đối tác vẫn nỗ lực triển khai dự án trọng điểm theo đúng kế hoạch đề ra. Đây là 2 thiết bị hiện đại tầm cỡ Thế giới đầu tiên trong đơn đặt hàng của dự án Gemalink được bàn giao.

THÁNG 08/2020

Khai trương Trung tâm dịch vụ khách hàng tại Thành phố Hải Phòng

Luôn đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ vượt trội và mang đến tiện ích ngày càng tốt hơn cho khách hàng, Gemadept đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ Khách hàng và Cổng thông tin điện tử chuyên dụng cho khối Cảng, ICD và Logistics lần đầu tiên có mặt tại Hải Phòng.

THÁNG 09/2020

Khởi động dự án Web Portal – kết nối gần hơn Gemadept với khách hàng và đối tác

Đây là hệ thống website ứng dụng công nghệ mới nhất, được quản trị tập trung về mặt thông tin cũng như đáp ứng tốt nhất yêu cầu kết nối với dự án Smart Port đang được triển khai song song cho hệ thống cảng của Gemadept.

THÁNG 10/2020

Tham gia những dự án hạ tầng trọng điểm của 2 đầu đất nước: Tại TP. Hồ Chí Minh với Metro số 1 và tại Thủ đô Hà Nội - Metro tuyến Nhổn - ga Hà Nội

Việc xếp dỡ thành công các toa tàu metro của tuyến Nhổn – ga Hà Nội tại khu vực phía Bắc, đồng thời hoàn thành vận chuyển an toàn các toa tàu Metro về TP.HCM tại khu vực phía Nam, Gemadept tự hào tham gia vào những mắt xích quan trọng trong các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Đồng thời các dự án này một lần nữa khẳng định kinh nghiệm và năng lực của Gemadept trong việc cung ứng các dịch vụ logistics đa dạng cho nhiều loại hàng hóa.

THÁNG 11/2020

Chương trình thiện nguyện “Hướng về miền Trung”

Đây là hoạt động xã hội với mong muốn phần nào hỗ trợ người dân miền Trung sớm vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống sau những cơn bão lũ lịch sử, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị nhân ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt. Tập đoàn Gemadept đã phối hơp cùng Báo Nhân dân và Công ty BeeGreen thực hiện chuyến đi thăm và cứu trợ các vùng bị thiệt hại nặng của tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc và Tỉnh Quảng Bình.

THÁNG 12/2020

CJ Gemadept Logistics tăng cường sự hiện diện tại khu vực Cái Mép - Bà Rịa Vũng Tàu

Sự tăng cường hiện diện của CJ Gemadept Logistics tại khu vực Cái Mép nhằm mục tiêu phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng tăng tại khu vực theo các tiêu chí Đúng - Đủ - Kịp thời.

KẾT QUẢ KINH DOANH 2020
KẾT QUẢ KINH DOANH

Lợi nhuận gộp năm 2020

950

Tỷ đồng

Doanh thu thuần đạt

2.606

Tỷ đồng

Trước những khó khăn và thách thức của nền kinh tế, trong năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng những định hướng chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, đúng đắn của Ban Lãnh đạo, Gemadept đã đạt được những thành quả rất tích cực.

Năm 2020, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.606 tỷ đồng và Lợi nhuận trước thuế đạt 513 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch theo cả hai kịch bản được ĐHĐCĐ 2020 thông qua.

Trong đó, Khai thác cảng tiếp tục là hoạt động cốt lõi hiệu quả với doanh thu ghi nhận 2.171 tỷ đồng, chiếm 83% trong tổng cơ cấu doanh thu của Gemadept. Hoạt động Logistics và hoạt động khác trở thành điểm sáng về tăng trưởng với doanh thu đạt 434 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm 2019, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Tập đoàn.

Trong năm, Gemadept đã cải tiến điều chỉnh chính sách quản lý và kiểm soát chi phí hiệu quả. So với cùng kỳ, tổng chi phí quản lý doanh nghiệp không bao gồm phân bổ lợi thế thương mại đã giảm 3%, chi phí lãi vay tăng nhẹ do đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm, trong đó đảm bảo yêu cầu về tiến độ triển khai dự án Cảng nước sâu Gemalink để có thể hoàn thành đưa dự án vào khai thác từ cuối năm 2020. Một điểm sáng khác trong hoạt động tài chính, với mức độ tín nhiệm tốt cộng với chất lượng tài sản an toàn, Gemadept luôn duy trì được mức lãi suất tốt so với mặt bằng chung của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn thị trường khó khăn vừa qua.

Năm 2020, lợi nhuận gộp của Công ty ghi nhận 950 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì mức ổn định đạt 36% với đóng góp chính từ hai hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn là Khai thác Cảng và Logistics.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 đạt 513 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 3% đến 19% so với kế hoạch năm theo Kịch bản 1 và Kịch bản 2. Trong năm qua, với hướng phát triển đúng đắn và sự quyết liệt trong mọi mặt trận từ quản trị đến điều hành sản xuất kinh doanh, Công ty đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh được Đại hội Cổ đông thông qua với sự nỗ lực quyết tâm cao của Ban Lãnh đạo và toàn thể CBCNV trong khi diễn biến dịch Covid -19 tiếp tục nhiều diễn biến phức tạp và khó lường.

CƠ CẤU DOANH THU 2020
CƠ CẤU LNTT 2020
KẾT QUẢ KINH DOANH NĂM 2020 (ĐVT: TỶ ĐỒNG)
KẾT QUẢ KINH DOANH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020 (ĐVT: Tỷ đồng)

* Từ năm 2017, Tập đoàn chuyển nhượng một phần hoạt động Logistics và Shipping.

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH

Năm 2020 là năm có nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao Gemadept tiếp tục giữ vững tốt đà phát triển ổn định và bền vững.

Tổng tài sản ghi nhận vào ngày 31/12/2020 đạt 9.835 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm trước chủ yếu do khấu hao tài sản cố định và thực hiện thoái các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tập trung nguồn lực vào hoạt động chính là Khai thác cảng và Logistics. Tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 86% tổng cơ cấu tài sản.

Tài sản ngắn hạn tăng 14,2% so với cuối năm 2019 chủ yếu ghi nhận tiền thu hồi từ việc thoái các khoản đầu tư dài hạn. Ngoài ra, trong năm Gemadept đã đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ nhằm ổn định dòng tiền và tăng tính thanh khoản trong bối cảnh thị trường biến động. Theo đó, các khoản phải thu bình quân trong năm 2020 đã giảm 9%, số ngày thu tiền bình quân cũng cải thiện giảm 4 ngày so với cùng kỳ.

Tài sản dài hạn ghi nhận 8.478 tỷ đồng vào cuối 2020, giảm 5% so với thời điểm 31/12/2019. Phần giảm này phần lớn do trong năm Gemadept đã thoái một phần các khoản đầu tư dài hạn.

Tổng nợ phải trả vào cuối năm 2020 ghi nhận 3.240 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2019 chủ yếu do phần giảm từ nợ phải trả ngắn hạn do người mua trả tiền trước ngắn hạn, đồng thời tổng vay và nợ thuê tài chính giảm so với cùng kỳ. Cơ cấu nợ vay được duy trì ổn định, cân bằng giữa nợ ngắn hạn và dài hạn. Hệ số Nợ trên Vốn chủ sở hữu giảm từ 0,54 năm 2019 xuống còn 0,49 vào cuối 2020, đồng thời đảm bảo hệ số khả năng thanh toán lãi vay ở mức an toàn 4,5 lần.

Vốn chủ sở hữu vào ngày 31/12/2020 ghi nhận 6.595 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2019. Trong đó, vốn điều lệ đạt 3.014 tỷ đồng, tăng 1,5% thông qua việc thực hiện phát hành ESOP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 27/05/2014. Trong năm, Gemadept đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 VND/cổ phiếu.

Về cấu trúc nguồn vốn, Vốn chủ sở hữu so với Tổng tài sản luôn được duy trì ổn định nhằm đảm bảo sức khỏe tài chính và hiệu quả của các hoạt động kinh doanh. Tại ngày 31/12/2020, tỷ lệ này là 67%, tiếp tục cải thiện so với mức cuối 2019. Hệ số nợ phải trả trên Tổng tài sản được duy trì ở mức 0,33 lần.

TỔNG TÀI SẢN

9.835

Tỷ đồng

Tài sản ngắn hạn tăng

14,2%

Tỷ đồng

Tài sản dài hạn

8.478

Tỷ đồng

Những cải tiến về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý

Thay đổi tích cực, tiên phong cải tiến để phát huy hiệu quả vai trò của một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực Logistics và Khai thác cảng Việt Nam là một định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Gemadept. Trong năm 2020, với những diễn biến và tác động từ dịch bệnh Covid-19, Gemadept đã triển khai nhiều phương án và chính sách quản lý, điều hành một cách linh hoạt, qua đó đảm bảo an toàn và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và mang lại hiệu quả tích cực.

QTTT đã được Gemadept xác định là một trong các chương trình quản trị trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu hóa nguồn lực, uy tín thương hiệu của Gemadept và tăng cường sự hợp lực các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn. Tiếp sau việc QTTT các khối phòng ban chức năng, năm 2020, việc QTTT đã được mở rộng và áp dụng cho khối sản xuất kinh doanh, bao gồm khối MKT-BD, khối Khai thác và khối Kỹ thuật, trong đó, tập trung ưu tiên triển khai đối với khối Cảng của Gemadept tại miền Bắc.

  • Khối MKT-BD phát triển chiến lược kinh doanh.
  • Khối Khai thác quản lý hoạt động khai thác tàu, bãi cho các khối Cảng miền Bắc, ưu tiên tập trung, kết nối hiệu quả nguồn lực khai thác để quản lý chuyên sâu và chuyên trách, qua đó, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của khối Cảng tại khu vực.
  • Khối Kỹ thuật có trách nhiệm kết nối, hợp lực và tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật tư tại các đơn vị khối Cảng Hải Phòng, qua đó tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật của toàn khu vực.

Năm 2020, nhằm đảm bảo chất lượng của các dự án quản trị khi triển khai áp dụng, Gemadept đã xác định mức độ ưu tiên và tập trung nguồn lực đối với 03 dự án quản trị trọng điểm gồm:

  • (i) Dự án BSC/KPIs;
  • (ii) Dự án Cấu trúc lương;
  • (iii) Dự án Đội ngũ kế thừa.

Các dự án quản trị được triển khai song song cùng với các dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của Gemadept, là kim chỉ nam định hướng phát triển của các đơn vị, lấy hiệu quả công việc để định hướng thu nhập, tạo tiền đề xây dựng đội ngũ kế thừa xứng đáng, thấm nhuần văn hóa và những giá trị cốt lõi của Gemadept.

Đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong tiến trình phát triển của mỗi doanh nghiệp. Năm 2020, Gemadept tiếp tục đẩy nhanh lộ trình thực hiện các dự án trong Đề án chiến lược phát triển tổng thể công nghệ thông tin như hóa đơn điện tử, văn phòng điện tử (E-office)... Trong đó, Dự án Smartport và Dự án phát triển hệ thống Website hiện đại được kết nối đồng bộ với Dự án Smart Port là 2 dự án công nghệ thông tin tiêu biểu thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo của Gemadept, tạo nền tảng tích cực cho việc hiện thực hóa những chiến lược phát triển của Gemadept trong thời gian tới.

Chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Hàng loạt các chương trình đào tạo như Kỹ năng Coaching dành cho các cán bộ quản lý và chuyên gia nội bộ; khóa đào tạo dành cho lớp cán bộ Sales và Marketing; các chương trình đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý hay các buổi talk show…đã mang lại hiệu quả cao, góp phần nuôi dưỡng, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV, bồi đắp văn hóa, xây dựng một tổ chức vững mạnh với những con người mang gen Gemadept trong toàn Tập đoàn.

Nâng cao năng suất lao động: Trong “Nguy” luôn có “Cơ”, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến nguy cơ mà còn là cơ hội để Gemadept tiến hành tái cấu trúc, sàng lọc, loại bỏ các yếu tố không phù hợp, cũng như chọn lọc để bổ sung các yếu tố thích hợp thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, năm 2020 trở thành thời điểm thích hợp nhất để Gemadept rà soát, đánh giá nguồn nhân lực, tái cơ cấu nhân sự để tăng năng suất lao động. Gemadept đã triển khai xây dựng ngân sách lương theo kết quả sản xuất kinh doanh và thực hiện topdown ngân sách lương 2020 cho từng đơn vị trong toàn Tập đoàn. Các đơn vị, phòng ban chức năng đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát nhân sự, chỉ ưu tiên tuyển dụng thêm nhân sự trong những trường hợp đặc biệt và trên hết, ưu tiên sử dụng và tối ưu hóa nguồn nhân lực nội bộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện linh hoạt, hợp lý, thống nhất các chính sách phúc lợi, bảo hiểm cùng những nỗ lực của một tập thể đoàn kết, vững mạnh đã góp phần xây dựng đội ngũ Gemadept tinh nhuệ, có tinh thần hợp lực, hợp tác, cùng nhau thực hiện sứ mệnh thúc đẩy dòng chảy kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước, doanh nghiệp và đối tác đồng hành.

CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

(*): Giai đoạn 2 của dự án cảng Nam Đình Vũ đã được động thổ khởi công từ tháng 11/2019, tuy nhiên do đại dịch Covid xuất hiện và diễn biến phức tạp, Tập đoàn quyết định tạm dừng triển khai giai đoạn 2 của dự án để ưu tiên nguồn lực tập trung cho dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 1.

THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NĂM 2020

Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra, tác động khó lường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và kế hoạch triển khai các dự án nói riêng của Gemadept. Trong bối cảnh ấy, với những nỗ lực và quyết tâm cao nhất, Gemadept đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ triển khai dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam - Cảng Gemalink theo đúng kế hoạch đã đặt ra, kịp thời đưa dự án vào khai thác chính thức ngay từ tháng 01 năm 2021. Tổng giá trị giải ngân trong năm 2020 cho dự án Cảng nước sâu Gemalink đạt 100% kế hoạch đặt ra, tương ứng 7.600 tỷ đồng.

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NĂM 2021

Năm 2021, Gemadept sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021 - 2025:

Dự án Cảng nước sâu Gemalink - Giai đoạn 2

  • Vị trí: Tọa lạc ngay tại cửa Sông Cái Mép - cửa ngõ đi vào cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu
  • Diện tích: 39ha
  • Chiều dài cầu bến chính cho tàu mẹ: 350m
  • Chiều dài cầu bến cho tàu trung chuyển (tàu feeder): 370m
  • Tổng vốn đầu tư: 190 triệu USD
  • Công suất: 900.000 Teus/năm
  • Cỡ tàu tiếp nhận: 250.000 DWT
  • Thời gian triển khai: Dự kiến quý 4/2021, mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023

Dự án cảng Nam Đình Vũ - Giai đoạn 2

  • Vị trí: Lô CA1, Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ, Thành phố Hải Phòng.
  • Diện tích: Hơn 20ha
  • Chiều dài cầu bến: 440m
  • Tổng vốn đầu tư: Gần 1.700 tỷ đồng
  • Công suất: 500.000 Teus/năm
  • Cỡ tàu tiếp nhận: 40.000 DWT
  • Thời gian triển khai: Dự kiến quý 3/2021 (*), mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023
Định hướng chiến lược đến năm 2025

Nếu như năm 2020 là năm về đích trong Chiến lược 5 năm 2016 - 2020 thì năm 2021 sẽ là năm đầu tiên trong Chiến lược 5 năm 2021 - 2025, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Gemadept. Kết quả kinh doanh 2020, kế hoạch hoạt động 2021 và các chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trường tồn của Gemadept. Theo đó, Gemadept đã đưa ra các định hướng trọng tâm trong giai đoạn mới 2021 - 2025 như sau:

MỤC TIÊU TRỌNG TÂM CHUNG

Đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, sẵn sàng đón đầu cơ hội tăng trưởng giai đoạn tới từ năm 2021.

Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tăng cường nội lực và sự hợp lực thông qua các chương trình QTTT và phát triển đội ngũ kế thừa mạnh, mang Gen Gemadept.

Tăng cường hợp tác, liên doanh; thoái vốn các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi; và có phương án tối ưu với các tài sản không hoặc chưa sinh lời hiệu quả.

Tối ưu hóa hệ sinh thái Cảng và Logistics.

  • Triển khai Dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2.
  • Tăng doanh thu và lợi nhuận trên từng Teu sản lượng thông qua.
  • Phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, phát huy hiệu quả của ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự khác biệt nổi trội.
  • Vận hành và phát huy hiệu quả của các Trung tâm Dịch vụ Khách hàng, Trung tâm Khai thác Cảng và Trung tâm Kỹ thuật.
  • Tăng cường lợi thế và vị thế của Gemadept tại khu vực miền Trung.
  • Phát triển mô hình Port-Logistics.
  • Tìm kiếm và phát triển thêm các dịch vụ mới, nguồn hàng mới.
  • Nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
  • Thực hiện hoạt động MKT-BD mạnh mẽ, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn và năng suất khai thác.
  • Kết nối nhịp nhàng cùng hệ thống cảng, ICD tại khu vực nội đô vùng kinh tế trọng điểm miền Nam.
  • Tìm kiếm và phát triển thêm các dịch vụ mới, nguồn hàng mới.
  • Nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
  • Giữ vững và phát huy vai trò, vị thế doanh nghiệp hàng đầu về 3PL.
  • Phát triển các dịch vụ mới tiềm năng.
  • Tăng cường hợp tác, liên minh, và phát huy tối đa lợi thế của các đối tác.
  • Đảm bảo an toàn, an ninh và tuân thủ vận hành trên toàn hệ thống.
  • Tăng cường ứng dụng công nghệ và công nghệ thông tin hiện đại vào quản trị và hoạt động sản xuất.
  • Kết nối và tích hợp hiệu quả với hoạt động của các Đơn vị trong Tập đoàn nhằm tạo ra các chuỗi giá trị cho khách hàng, tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh.
  • Nâng cao hơn nữa vị thế trên thị trường vận tải.
  • Triển khai các tuyến dịch vụ hiệu quả, phát triển khách hàng và nguồn hàng mới.
  • Tăng cường hợp tác, liên minh với các hãng tàu và đối tác.
  • Nghiên cứu và thực hiện đầu tư, khai thác hiệu quả tài sản, tối ưu hóa chi phí khai thác vận hành.
  • Tăng cường ứng dụng CNTT nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.