Báo cáo thường niên ABB 2020

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Kết thúc năm 2020, ABBANK có tổng tài sản đạt 116.267 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.368 tỷ đồng (tương đương đạt 111,3% so với 2019). Các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2019 và mang tính bền vững.

Bảng đánh giá một số chỉ tiêu tài chính năm 2020
CHỈ TIÊU ĐVT: TỶ ĐỒNG THỰC HIỆN NĂM 2019 Năm 2020
Thực hiện Kế hoạch
Tổng tài sản 102.487 116.267 120.000
Cho vay TT1 (không bao gồm Trái phiếu doanh nghiệp) 56.956 63.446 64.496
Huy động TT1 (bao gồm giấy tờ có giá) 74.786 78.128 81.052
Lợi nhuận trước thuế 1.229 1.368 1.358

Ghi chú: Số liệu dựa trên BCTC riêng lẻ kiểm toán và được làm tròn số

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.368 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 101% so với kế hoạch, và đạt 111,3% so với năm 2019; Tổng tài sản đạt 116.267 tỷ đồng, tương đương 113,4% so với năm 2019.

Huy động Thị trường 1 đạt 78.128 tỷ đồng, tăng 4,47% so với cùng kỳ 2019. Tổng dư nợ Thị trường 1 (bao gồm Trái phiếu doanh nghiệp) tăng trưởng 10,2% so với năm 2019, đạt mức 69.469 tỷ đồng. Trong đó, hai phân khúc khách hàng chiến lược của ABBANK là khách hàng SMEs, khách hàng cá nhân (KHCN) đều ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt ở mức 21%, 16% so với năm 2019.

Dưới tác động của dịch Covid-19 năm 2020, dù danh mục chịu tác động bởi dịch của ABBANK ở mức khiêm tốn so với bình quân trên thị trường, nhưng với các chính sách hỗ trợ khách hàng thông qua việc giảm lãi suất, thu nhập thuần từ lãi cũng chịu những ảnh hưởng nhất định, giảm 3,8% so với cùng kỳ 2019 và đạt 2.345 tỷ đồng.

Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBANK kiểm soát chặt chẽ dưới 2%, tuân thủ quy định của NHNN. Cùng với đó, hiệu quả và an toàn hoạt động của ABBANK trong năm 2020 cũng tiếp tục được đảm bảo theo yêu cầu của NHNN thông qua các chỉ số như RoA đạt 1,43%; RoE đạt 16,5%.

Theo đuổi chiến lược ngân hàng bán lẻ, các kế hoạch hành động nhằm phục vụ nhu cầu của KHCN và SMEs được ABBANK chú trọng lên kế hoạch ngay từ đầu năm 2020 và đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát.

Việc chủ động xây dựng các sản phẩm dịch vụ, các chính sách tín dụng phù hợp trong tình hình dịch bệnh đã hỗ trợ ABBANK trong việc phát triển thêm khách hàng mới. Đồng thời, việc cân đối các nguồn vốn trung và dài hạn với chi phí hợp lý đã giúp Ngân hàng cung cấp được các gói cho vay với lãi suất cạnh tranh cho 2 phân khúc khách hàng chiến lược này, từ đó, đóng góp vào tăng trưởng tín dụng của ABBANK.

Riêng trong năm 2020, ABBANK đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giảm biên độ NIM để đồng hành cùng khách hàng. Hiện ABBANK đang nằm trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi cạnh tranh bậc nhất thị trường, như cho vay KHCN chỉ từ 5,9%/năm, cho vay SMEs từ 6,5%/năm, cho vay KHDN từ 6,1% đối với VND và từ 2,1%/năm đối với USD.

Các Dự án nhằm kiện toàn công tác quản trị, vận hành, giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất lao động… cũng được ABBANK tập trung triển khai trong năm 2020 như: Hệ thống Quản trị dữ liệu - Data Governance; Tính toán mức độ đủ vốn - ICAAP, Xây dựng khung quản lý tài sản nợ có - ALM…

Tổng lợi nhuận trước thuế

1.368

tỷ đồng

đạt 111,3% so với năm 2019

Tổng tài sản

116.267

tỷ đồng

đạt 113,4% so với năm 2019

Huy động Thị trường 1

78.128

tỷ đồng

4,47% so với cùng kỳ 2019

Tổng dư nợ Thị trường 1

69.469

tỷ đồng

10,2% so với năm 2019
HOẠT ĐỘNG MẢNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN

Mảng Khách hàng cá nhân của ABBANK có những bước đột phá tích cực trong năm 2020

CHỈ TIÊU Thực hiện 2019 THỰC HIỆN 2020 % 2020 SO VỚI 2019
Huy động (tỷ đồng) 35.554 36.188 102%
Dư nợ (tỷ đồng) 25.122 29.223 116%
Số lượng khách hàng (người) 970.085 1.071.554 110%
AB Ditizen active (App) 38.000 110.000 290%
Doanh thu Priority (tỷ đồng) Chưa triển khai 400
Thẻ tín dụng (Thẻ) 4.638 7.570 163%

Công tác phát triển mảng Khách hàng cá nhân của ABBANK có những bước đột phá tích cực trong năm 2020, ghi nhận tại 02 mảng kinh doanh chính như sau: Dư nợ KHCN đạt 29.223 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019; Huy động đạt 36.188 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Bên cạnh đó, theo chiến lược giai đoạn 2021-2025 của ABBANK, Khối KHCN đã thực hiện triển khai sáng kiến chiến lược thông qua việc thu hút và tăng cường mối quan hệ với nhóm KHCN cao cấp thông qua việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ABBANK PRIORITY hoàn toàn mới, triển khai các sản phẩm chuyên biệt như Chứng chỉ quỹ ABBF. Khối KHCN đã nỗ lực theo sát Đơn vị kinh doanh trong mọi hoạt động thúc đẩy bán, phối hợp cung cấp các gói sản phẩm tài chính tối ưu cũng như những gói dịch vụ chuyên nghiệp đến với từng khách hàng.

Năm 2020, ABBANK đã ban hành các gói vay ưu đãi với chính sách cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Cụ thể, gói Vay ưu đãi - Lãi an tâm với hạn mức 3.300 tỷ đồng; gói Vay Kinh doanh - Phát tài nhanh với hạn mức 5.000 tỷ đồng.

ABBANK thực hiện đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thu phí dịch vụ, như sản phẩm đầu tư, các sản phẩm kiều hối với chính sách hấp dẫn về phí dịch vụ cho Đơn vị kinh doanh và khuyến khích cho cán bộ bán hàng. Theo đó, công tác phát triển sản phẩm ghi nhận những kết quả tích cực sau:

  • Sản phẩm Kiều hối tăng trưởng mạnh trong năm 2020.
  • Sản phẩm đầu tư đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng doanh số sau 03 tháng triển khai.
  • Có 17/165 Đơn vị kinh doanh có APE (doanh số phí bảo hiểm trung bình) trên 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách bán hàng và chiến lược phát triển sản phẩm, ABBANK còn thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình thi đua và tổ chức các buổi hội thảo/đào tạo nâng cao tư duy bán hàng cho đội ngũ bán hàng trong năm 2020. Cụ thể:

  • Xây dựng 14 chương trình thi đua liên tục cho ĐVKD và lực lượng bán hàng.
  • 120 ngày hội bảo hiểm.
  • 200 hội thảo & họp triển khai kinh doanh.
  • 20 buổi đào tạo về kỹ năng bán chéo, kỹ năng xử lý hồ sơ bảo hiểm…
HOẠT ĐỘNG TRONG MẢNG KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP LỚN (KHDN)

Ứng dụng công nghệ số giúp ABBANK nâng cao chất lượng cung cấp các sản phẩm quản lý dòng tiền, giao dịch tài chính thông minh. Từ đó, đồng hành và hỗ trợ khách hàng quản lý nguồn vốn tập trung một cách hiệu quả và linh hoạt, các giao dịch tài chính được thuận tiện, an toàn và thu hẹp mọi khoảng cách về địa lý.

CHỈ TIÊU (TỶ ĐỒNG) THỰC HIỆN 2019 THỰC HIỆN 2020 % 2020 SO VỚI 2019
Huy động 35.498 37.281 105%
Dư nợ (Bao gồm Trái phiếu doanh nghiệp) 25.331 25.018 99%
Doanh số Thu gộp dịch vụ (Bao gồm Bảo lãnh) 117 101 86%

Dư nợ KHDN đạt 25.018 tỷ đồng. Năm 2020, bên cạnh việc chung tay hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm tăng trưởng dư nợ một cách bền vững và an toàn, ABBANK lựa chọn tập trung phát triển các khách hàng có nền tảng tài chính lành mạnh, hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển, các nhóm ngành được ưu tiên, ưu đãi theo chính sách của Chính phủ.

Huy động mảng KHDN đạt mức 37.281 tỷ đồng. ABBANK chủ động giảm lãi suất, quy mô tiền gửi với mức phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí huy động và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tổng thu phí dịch vụ từ mảng KHDN năm 2020 đạt 101 tỷ đồng.

Đối với mảng dịch vụ, ABBANK tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển các sản phẩm hàm lượng công nghệ phù hợp với xu hướng ngân hàng số. Đối với nhóm khách hàng chiến lược, các khách hàng Tập đoàn, Tổng Công ty, ABBANK đã triển khai xây dựng dịch vụ quản lý dòng tiền theo yêu cầu và tích hợp giải pháp kết nối hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) giúp doanh nghiệp tập trung nguồn vốn hiệu quả hơn, quản lý dòng tiền theo thời gian thực của tài khoản tập trung và các tài khoản kết chuyển. Ngoài ra, đối với dịch vụ Ebanking, ABBANK cung cấp dịch vụ bảo mật lên đến 03 lớp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về bảo mật trong giao dịch online cho các Tập đoàn, Tổng Công ty.

HOẠT ĐỘNG MẢNG KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ (SMES)
CHỈ TIÊU (TỶ ĐỒNG) Thực hiện 2019 Thực hiện 2020 % 2020 so với 2019
Dư nợ (tỷ đồng) 12.425 15.079 121%
Huy động (tỷ đồng) 3.735 4.658 125%
Tổng phí dịch vụ (tỷ đồng) 96,8 104,6 108%
Thu lãi thuần (tỷ đồng) 349,1 413,8 119%
Số lượng khách hàng (người) 27.395 30.012 110%

Ghi chú: Phí dịch vụ đã bao gồm bảo lãnh

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam 2020 bị chi phối bởi dịch bệnh phát sinh, kết quả kinh doanh mảng SMEs vẫn đạt được bước tăng trưởng khá tốt. Quy mô dư nợ, huy động tăng trưởng trên 21% - 25% so với năm ngoái. Trong đó, dư nợ cuối kỳ SMEs tăng 21%, cao hơn gần 9% so với mức tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Đặc biệt, dư nợ bình quân tăng trưởng đạt mức tăng trưởng 26% so với năm 2019.

Trong năm 2020, ABBANK thực hiện cấu trúc và hoàn thiện danh mục sản phẩm tín dụng theo các nhóm phân khúc khách hàng mục tiêu, trong đó, xây dựng và thiết kế 02 sản phẩm mới thuộc Bộ sản phẩm chuyên biệt dành cho phân khúc khách hàng siêu nhỏ là: SSE Bizloan và SSE Flex, với đặc tính: đáp ứng trọn gói và đa dạng các nhu cầu vốn của khách hàng (bổ sung vốn lưu động, phát hành L/C, bảo lãnh, đầu tư tài sản cố định, nhà xưởng), tối ưu hóa thời gian xử lý, danh mục hồ sơ rút gọn, thủ tục đơn giản, phù hợp hơn với đặc thù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (quy mô hoạt động nhỏ, phần lớn đi lên từ hộ kinh doanh). Sau hơn 7 tháng triển khai, dư nợ của 2 sản phẩm mới này đã đóng góp hơn 8% tổng dư nợ của bộ sản phẩm chủ lực SMEs. Tính đến hết năm 2020, dư nợ các sản phẩm chủ lực SMEs đạt tỷ lệ tăng trưởng hơn 175% so với năm 2019, nâng tỷ trọng từ khoảng 22% lên 32% trong tổng dư nợ toàn phân khúc SMEs.

Hoạt động trong mảng Công nghệ ngân hàng

Hoạt động Công nghệ ngân hàng của ABBANK tiếp tục được đảm bảo an toàn, liên tục và ổn định, góp phần hỗ trợ phát triển kinh doanh bền vững của Ngân hàng.

Một trong những kế hoạch nổi bật của phát triển công nghệ ngân hàng nhằm đưa ABBANK trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường chính là đẩy mạnh phát triển Ngân hàng số.

Cụ thể, năm 2020, ABBANK đã triển khai thành công các dự án: Cải tiến các chức năng mới của ứng dụng ngân hàng trên điện thoại AB Ditizen, xây dựng hệ thống LOS 1.5 với quy trình cấp tín dụng cho KHCN, nâng cấp thành công hệ thống Core Banking - T24 lên phiên bản R19, hoàn thành xây dựng hệ thống báo cáo quản trị BI/MIS, ứng dụng Quản lý Kho quỹ tập trung, nâng cấp website ABBANK, “Hệ thống quản trị đầu tư mua sắm và quản lý tài sản” trên toàn hệ thống ABBANK…

Bên cạnh đó, ABBANK cũng tiếp tục đầu tư, khai thác và bảo trì các giải pháp an ninh bảo mật nhằm đảm bảo giao dịch an toàn cho Ngân hàng và khách hàng như: Hoàn thành triển khai giám sát an ninh an toàn và cảnh báo sớm cho các hệ thống công nghệ tại ABBANK, đánh giá an ninh bảo mật cho toàn bộ các ứng dụng web của Ngân hàng, khai thác Soft - OTP cho các ứng dụng Mobile Banking và Internet Banking, 3D secure cho thanh toán Thẻ tín dụng đáp ứng quy định của NHNN về các giao dịch thanh toán điện tử, đánh giá tái cấp chứng chỉ bảo mật dữ liệu thẻ PCI DSS 2020, đánh giá cấp chứng chỉ ISO27001.

Hoạt động vận hành, quản trị giám sát hạ tầng/ứng dụng CNTT luôn được giám sát 24/24 nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, ổn định, an toàn và bảo mật. Công tác bảo mật và giám sát tuân thủ chính sách CNTT được thực hiện thường xuyên thông qua việc cập nhật mới các bản vá, quản lý các thay đổi trên hệ thống, triển khai giải pháp và đáp ứng các yêu cầu theo thông tư của NHNN và các tiêu chuẩn quốc tế như PCI DSS và ISO27001, triển khai các giải pháp giúp nâng cao an toàn bảo mật cho ABBANK như Hệ thống quản lý tài khoản đặc quyền, Hệ thống lưu trữ và sao lưu dữ liệu tập trung.

Vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ITIL vào công tác quản lý và cung cấp dịch vụ CNTT, nâng cao chất lượng kênh tiếp nhận và hỗ trợ qua ứng dụng Quản lý dịch vụ (SDP) và từng bước nâng cao chất lượng quản trị và hỗ trợ dịch vụ CNTT.

Nâng cao năng lực hoạt động của các hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngân hàng thông qua việc diễn tập dự phòng thảm họa (DRP) 2 lần/năm với các hệ thống trọng điểm trung tâm dữ liệu (TTDL) chính và TTDL dự phòng; cập nhật mới ban hành các chính sách, quy trình tuân thủ các thông tư, quy định của NHNN.

Tổ chức và nhân sự

Công tác Tuyển dụng và Quản lý cán bộ

Công tác nhân sự và quản lý cán bộ là khâu then chốt trong việc sắp xếp lại nguồn lực một cách hiệu quả.

Năm 2020, hoạt động tuyển dụng đã góp phần đáp ứng được nhu cầu nhân lực của toàn bộ hệ thống ABBANK, đặc biệt cho các Đơn vị kinh doanh và các nghiệp vụ chủ chốt cho khu vực Hội sở của Ngân hàng.

ABBANK đã thu hút được các nhân sự cấp cao và có nhiều kinh nghiệm tham gia các vị trí quản lý chủ chốt (ưu tiên cho các mảng công việc về Phát triển kinh doanh, điều hành) nhằm bổ sung thêm vào đội ngũ nhân sự có chất lượng cao của ABBANK.

Đối với công tác quản lý và tổ chức cán bộ, ABBANK tập trung vào việc bố trí đúng người, đúng việc và đảm bảo mục tiêu kinh doanh. Theo đó, việc cam kết chất lượng dịch vụ (SLAs) của công tác quản trị nguồn nhân lực chính là sự bảo đảm cho một dịch vụ nhân sự toàn diện, đáp ứng tối đa các yêu cầu về dịch vụ nhân sự nói chung, công tác tuyển dụng và tổ chức cán bộ nói riêng.

Năm 2020 cũng là một năm mà ABBANK thực hiện rà soát lại chức năng, nhiệm vụ tổng thể các Đơn vị thuộc Hội sở để thực hiện vận hành dự án “Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của ABBANK”. Theo đó, công tác nhân sự và quản lý cán bộ là khâu then chốt trong việc sắp xếp lại nguồn lực một cách hiệu quả.

Quan hệ lao động

ABBANK luôn chú trọng môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm cao của toàn thể CBNV Ngân hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu và đem lại sự hài lòng cho khách hàng, đúng với cam kết về 05 Giá trị cốt lõi của Ngân hàng.

Trong năm 2020, ABBANK hướng đến việc phát triển đội ngũ CBNV trên tinh thần gắn kết, động viên khen thưởng kịp thời, góp phần phát huy năng lực của mỗi ABBANKer trong việc đóng góp giá trị cho sự phát triển chung của ABBANK.

Tại ABBANK, mỗi cán bộ đều có cơ hội được trải nghiệm những công việc phù hợp với năng lực chuyên môn, được tạo mọi điều kiện đóng góp các sáng kiến của mình nhằm liên tục cải thiện chất lượng và hiệu quả công việc, góp phần gia tăng năng suất lao động và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của ABBANK.

Mọi nỗ lực, thành tích của CBNV đều được ghi nhận và khen thưởng xứng đáng bằng việc điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống mô tả công việc, hệ thống đánh giá công việc của CBNV, nhằm xác định các vai trò và trách nhiệm quan trọng nhất của cán bộ ở các cấp bậc khác nhau, từ đó tạo ra luồng công việc khoa học và nhất quán, tăng cường sự hợp tác và phối hợp nội bộ, tạo sự gắn kết giữa CBNV với hệ thống và đem tới năng suất lao động cao.

ABBANK hướng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhân sự thông qua các công tác: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhân sự; Nâng cao chất lượng đội ngũ làm nhân sự chuyên nghiệp, đào tạo và nâng cao năng lực quản trị nhân sự của các cấp quản lý.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

ABBANK kiên định theo đuổi công tác phát triển Cộng đồng học tập, liên tục có cải tiến và phát triển mới cả về hình thức, nội dung và từng chương trình đào tạo cụ thể.

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên chiến lược của ABBANK, nhằm đáp ứng sự phát triển của Ngân hàng với chiến lược tập trung vào lĩnh vực bán lẻ & tăng thu phí dịch vụ. Các mục tiêu trọng tâm được chú trọng tại Ngân hàng trong công tác đào tạo bao gồm: Phát triển năng lực lãnh đạo; Chuẩn hóa đội ngũ; Xây dựng đội ngũ kế cận; Nâng cao năng lực bán hàng và quản lý kinh doanh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ về chuyên môn và kỹ năng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng đội ngũ tại ABBANK. Trong lộ trình Phát triển cộng đồng học tập ABBANK, Ngân hàng đã tổ chức hơn 747 khóa học dành cho hơn 25.152 lượt học viên trong năm 2020; tập trung vào đào tạo và phát triển đội ngũ bán hàng quản lý, đào tạo chuyên môn chuyên sâu và các kỹ năng mềm. Các ABBANKers đều có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo đa dạng một cách dễ dàng, hỗ trợ tích cực cho quá trình tự học và phát triển nghề nghiệp cá nhân.

ABBANK cũng chú trọng vào việc quảng bá các giá trị và văn hóa doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo thường xuyên và các hoạt động bên ngoài Ngân hàng. Tất cả nhân viên mới của ABBANK đều được đào tạo, tập huấn trong đó có giới thiệu về các giá trị văn hóa doanh nghiệp và chính sách của Ngân hàng. Các nhân viên hiện hữu được cung cấp các khóa học thường xuyên và chuyên sâu nhằm giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn và đồng thời nâng cao kỹ năng mềm. ABBANK luôn nỗ lực để đảm bảo CBNV có đa dạng kênh truyền thông nội bộ để giao tiếp, phản hồi thông tin, ví dụ như các hội thảo định kỳ với Đội ngũ Quản lý; Diễn đàn trực tuyến…

Tình hình đầu tư

VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN

Năm 2020, doanh số mua bán Trái phiếu Chính phủ đạt gần 111.600 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2019; lãi mua bán đạt 782 tỷ đồng tăng 137% so với năm 2019 và bằng 137,4% kế hoạch năm 2020.

Doanh số mua bán Trái phiếu Chính phủ

111.600

tỷ đồng

4% so với năm 2019

Lãi mua bán

782

tỷ đồng

137% so với năm 2019

Các khoản đầu tư lớn

Trong năm 2020, ABBANK tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiệu quả của danh mục đầu tư góp vốn. Với phương châm đầu tư an toàn, thận trọng và có hiệu quả, ABBANK liên tục tìm kiếm cơ hội và đã đưa ra nhiều phương án thoái vốn cho những khoản đầu tư đối với các doanh nghiệp khó kiểm soát, kém hiệu quả.

Hiện tại, khoản đầu tư lớn nhất của ABBANK có giá trị 260 tỷ đồng - khoản góp vốn vào Công ty con với lợi nhuận được chia hàng năm từ 10-15%/năm.

Trên thị trường Trái phiếu chính phủ, năm 2020, ABBANK tiếp tục là một nhà kinh doanh lớn với doanh số gần 111.600 tỷ đồng, bằng 6,6% giá trị giao dịch toàn thị trường, lãi mua bán đạt 782 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2019 và bằng 137,4% kế hoạch năm 2020.

Hoạt động và tình hình tài chính của Công ty con, công ty liên kết

Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP An Bình (ABBA): Là công ty con trực thuộc 100% vốn của ABBANK. Lĩnh vực hoạt động chính của ABBA là tiếp nhận, quản lý các khoản nợ xấu, nợ tồn đọng và tài sản bảo đảm nợ vay liên quan đến các khoản nợ của ABBANK…

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ABBA đạt gần 60 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với năm 2019. Kết quả này tương đối khả quan trong bối cảnh nền kinh tế năm 2020 chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid-19.

Tình hình tài chính

Tổng giá trị tài sản hợp nhất

116.367

tỷ đồng

13%so với năm 2019

Doanh thu hợp nhất

8.850

tỷ đồng

7% so với năm 2019

ĐVT: tỷ đồng, %

RIÊNG LẺ ĐÃ KIỂM TOÁN
Chỉ tiêu 2020 2019 % tăng giảm
Tổng giá trị tài sản 116.267 102.487 13%
Doanh thu 8.803 8.245 7%
Thuế và các khoản phải nộp 49 106 -54%
Lợi nhuận trước thuế 1.368 1.229 11%
Lợi nhuận sau thuế 1.092 969 13%
Chỉ tiêu Ghi chú
Quy mô vốn
Vốn điều lệ 5.713 5.713
Tổng tài sản có 116.267 102.487
Tỷ lệ an toàn vốn 8,98% 10,5%

Năm 2019 theo thông tư số 19/2017/TT-NHNN

Năm 2020 theo thông tư số 41/2016/TT-NHNN

Khả năng thanh khoản
Tỷ lệ dự trữ thanh khoản 19,50% 25,8% Theo thông tư số 19/2017/TT-NHNN

ĐVT: tỷ đồng, %

HỢP NHẤT ĐÃ KIỂM TOÁN
Chỉ tiêu 2020 2019 % tăng giảm
Tổng giá trị tài sản 116.367 102.557 13%
Doanh thu 8.850 8.296 7%
Thuế và các khoản phải nộp 54 113 -52%
Lợi nhuận trước thuế 1.403 1.274 10%
Lợi nhuận sau thuế 1.118 1.001 12%
Chỉ tiêu Ghi chú
Quy mô vốn
Vốn điều lệ 5.713 5.713
Tổng tài sản có 116.367 102.557
Tỷ lệ an toàn vốn 9,05% 11,07%

Năm 2019 theo thông tư số 19/2017/TT-NHNN

Năm 2020 theo thông tư số 41/2016/TT-NHNN

Khả năng thanh khoản
Tỷ lệ dự trữ thanh khoản 19,50% 25,82% Số riêng lẻ

Cơ cấu cổ đông, thay đổi

vốn đầu tư của chủ sở hữu

TỔNG SỐ CỔ PHẦN LOẠI CỔ PHẦN SỐ LƯỢNG CỔ PHẦN TỰ DO CHUYỂN NHƯỢNG SỐ LƯỢNG CỔ PHẦN HẠN CHẾ CHUYỂN NHƯỢNG (*)
571.311.355 Cổ phần phổ thông 251.917.491 319.393.864

Ghi chú: (*) - Số lượng cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật, Điều lệ và cam kết của người sở hữu.

Tổng số cổ phần

571.311.355

Cơ cấu cổ đông (Số liệu đến 31/12/2020)
STT TÊN CỔ ĐÔNG TỔNG SỐ CỔ PHẦN SỞ HỮU TỶ LỆ SỞ HỮU SỐ LƯỢNG CỔ ĐÔNG
I Cổ đông trong nước 399.890.859 70% 6.190
1 Tập đoàn Geleximco - Công ty Cổ phần 74.222.415 12,99% 1
2 Cổ đông là tổ chức khác 27.505.281 4,81% 25
3 Cổ đông là cá nhân 298.163.163 52,2% 6.164
II Cổ đông nước ngoài 171.420.496 30% 2
1 Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) 114.265.019 20% 1
2 Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) 57.155.477 10% 1
TỔNG 571.311.355 100% 6.192

Báo cáo liên quan đến

môi trường và xã hội

Tuân thủ liên quan đến môi trường và xã hội

Quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (Environmental and Social Management System - ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng theo chuẩn quốc tế dưới sự hướng dẫn của Tổ chức tài chính Thế giới (IFC) được ABBANK triển khai thực hiện.

Quy định về quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội là một nền tảng tốt để ABBANK quản lý hiệu quả các vấn đề về môi trường và xã hội (MT-XH) của các dự án được tài trợ, là hành động thiết thực của ABBANK trong việc tuân thủ Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24 tháng 03 năm 2015 của NHNN về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời thể hiện sự cam kết, trách nhiệm xã hội của ABBANK hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Xem thêm
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp “xanh”

Năm 2020, ABBANK tiếp tục truyền thông rộng rãi đến toàn thể CBNV về việc xây dựng lối sống xanh ABBANK Green theo chiến dịch bắt đầu được phát động từ năm 2019. Trong hệ thống, hoạt động Thu gom pin cũ đã qua sử dụng, trang trí không gian làm việc xanh tiếp tục được CBNV ABBANK hưởng ứng tích cực, từ đó, đóng góp vào công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, góp phần khẳng định uy tín thương hiệu của ABBANK trong lòng CBNV và khách hàng.

Xem thêm

Chính sách liên quan đến

người lao động

Ngoài việc tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước về chế độ đối với Người lao động, ABBANK đã và đang nỗ lực xây dựng chính sách đãi ngộ ngày càng tốt hơn dành cho CBNV. Chương trình ABBANK care hàng năm luôn là chương trình được ABBANKers mong chờ, thể hiện chính sách đãi ngộ riêng biệt của ABBANK dành cho ABBANKers với việc liên tục xây dựng và mở rộng các phúc lợi dành cho CBNV qua các năm.

Báo cáo liên quan đến trách nhiệm

với cộng đồng địa phương

Gần 9,5 tỷ đồng mang Tết ấm, Tết vui đến với hơn 3.000 người dân tại các địa phương trên cả nước trong 11 năm tổ chức chương trình Tết An Bình.

Tổng cộng gần 80 tỷ đồng được ABBANK đầu tư cho các hoạt động an sinh xã hội trong suốt thời gian qua.

Năm 2020, ABBANK tiếp tục tham gia với cương vị “Đại lá lành”, đồng hành cùng chương trình “Cặp lá yêu thương” đem đến cho các “Lá chưa lành” trên khắp cả nước những suất học bổng với tổng chi phí gần 600 triệu đồng.

Đầu năm 2020, ABBANK đã kịp thời hỗ trợ công tác phòng/chống dịch trên khắp cả nước, tài trợ gần 6 tỷ đồng vào ngân sách phòng/chống dịch Covid-19 trong đó: 3 tỷ đồng hỗ trợ cho UBMTTQVN tại TP.HCM; 2 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội và chi phí hỗ trợ Ban phòng chống dịch tại Đà Nẵng, Huế.

Từ tháng 8/2020, ABBANK cũng phối hợp tài trợ xây dựng khu vui chơi cho bệnh nhi tại Khoa Chỉnh hình Nhi, Khoa Sọ mặt & Tạo hình - Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội với chi phí gần 270 triệu đồng với mong muốn giúp các em có không gian vui chơi đồng thời hỗ trợ quá trình trị liệu, phục hồi sau chỉnh hình. Ngoài ra, tháng 10/2020 ABBANK cũng kết hợp cùng Bệnh viện nhi TW Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo và nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo CBNV và khách hàng, qua đó đóng góp được hơn 100 đơn vị máu cho ngân hàng máu của Bệnh viện trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Tiếp nối hành trình Tết An Bình được phát động và tổ chức hàng năm, Tết An Bình 2020 với chủ đề “Tết An Bình - Liter of Light” do ABBANK phối hợp cùng Dự án Liter of light Việt Nam đã tổ chức trao tặng hệ thống đèn năng lượng mặt trời gồm 40 bộ trụ và bóng đèn lớn, 60 bộ trụ và bóng đèn nhỏ, 100 đèn cầm tay sử dụng năng lượng mặt trời và các tặng vật khác với tổng trị giá gần 400 triệu đồng tại 5 thôn nghèo thiếu điện tại xã Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), giúp thắp sáng khu vực công cộng, đường vào khu vực sinh hoạt cộng đồng của 5 thôn nghèo (Bù Bưng, Bù Khơn, thôn 3, thôn 4, thôn 10), cũng như hỗ trợ các dân quân tự vệ có thêm công cụ tuần tra tại khu vực biên giới rừng quốc gia Bù Gia Mập. Trong vòng 12 năm từ 2008 đến cuối năm 2020, ABBANK đã dành 79,8 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội. Những hoạt động an sinh xã hội của ABBANK đang dần đi theo hướng bền vững, mang lại những ảnh hưởng tích cực và ý nghĩa lâu dài hơn.

Báo cáo liên quan đến hoạt động thị trường vốn xanh

theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

ABBANK nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích lớn mà Tín dụng xanh đem lại như việc giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ danh tiếng Ngân hàng trên thị trường. Hiện ABBANK đang từng bước triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng của mình cũng như mở rộng các cơ hội kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, ABBANK sẽ phối hợp cùng các tổ chức, ban ngành trong và ngoài nước triển khai và đánh giá việc thực hiện quản trị rủi ro Môi trường - Xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, xây dựng các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.