Báo cáo thường niên: PBCM

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂM 2022

Phối hợp với các đầu mối liên quan triển khai các chương trình, kế hoạch trong đề án tái cấu trúc Công ty theo lộ trình do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quy định trong giai đoạn 2021 - 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hoàn thiện hệ thống quản trị theo Thông lệ Quản trị công ty tốt nhất nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Công ty, qua đó góp phần nâng cao giá trị Công ty trên thị trường.

Bảo đảm hoạt động sản xuất các sản phẩm chính như Urê, NPK, sản phẩm mới gốc Urê hiệu quả, ổn định, an toàn và tối ưu hóa công suất của các nhà máy.

Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các đề án, chương trình về tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu đã được kiểm định trên thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa với các tổ hợp sản xuất Urê, NPK, sản phẩm mới.

Tiếp tục thực hiện tiêu thụ tối đa sản lượng sản phẩm do tổ hợp Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy NPK Cà Mau sản xuất, trên cơ sở duy trì tồn kho hợp lý, cung ứng đủ hàng hóa cho các thị trường nội địa và một phần xuất khẩu khi mùa vụ thấp điểm, trên cơ sở cân đối cung cầu sản phẩm trong nước hợp lý. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa nguyên liệu cho nhà máy NPK, đồng thời tổ chức kinh doanh sản phẩm tự doanh đạt hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển thị trường ở từng khu vực trong nước và Campuchia.

Tiếp tục đầu tư, triển khai các chiến dịch, chương trình marketing nhằm tăng độ nhận biết đối với sản phẩm NPK tại các thị trường mục tiêu. Theo đó, cần chú trọng tập trung phát triển thị trường, hệ thống phân phối, gia tăng độ nhận biết về NPK Cà Mau tại các thị trường trọng điểm chiến lược, nhất là ở Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hữu cơ theo chính sách “gói sản phẩm dinh dưỡng” theo chiến lược phân khúc khách hàng và đơn đặt hàng của khách hàng nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh tại các điểm bán hàng.

Hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu của App 2Nông, người nhân tạo để hỗ trợ hiệu quả thiết thực cho nhu cầu tương tác của nông dân.

Tiếp tục thực hiện và tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống Covid-19 đã được Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan Trung ương, địa phương, Tập đoàn ban hành và hướng dẫn chi tiết. Thường xuyên cập nhật các số liệu, thông tin, diễn biến mới nhất về dịch Covid-19, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch đối phó với dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn và kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN TRUNG VÀ DÀI HẠN TRONG 5 - 10 NĂM TỚI

Trong giai đoạn trung và dài hạn từ 5 - 10 năm tới, PVCFC tập trung hướng tới các mục tiêu lớn, mang tính chiến lược và định hướng tổng thể cho các hoạt động của đơn vị trong tình hình mới, cụ thể như sau:

Về tầm nhìn: PVCFC phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong vực sản xuất kinh doanh phân bón.

Về sứ mệnh: PVCFC không ngừng góp phần bảo đảm nguồn cung phân bón và an toàn lương thực thông qua vai trò tiên phong cung cấp giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng.

Về giá trị cốt lõi: PVCFC cam kết hướng tới các giá trị cốt lõi chính gồm “Tiên phong”, “Trách nhiệm”, “Ân cần”, “Hài hòa”, coi đây là kim chỉ nam chi phối mọi hoạt động trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Các thị trường mục tiêu chiến lược của PVCFC trong thời gian tới tập trung vào khu vực ĐBSCL, ĐNB & TN, Campuchia. Ngoài các thị trường này, PVCFC chủ động mở rộng, khai thác, xâm nhập các thị trường trong nước ở khu vực Miền Trung, Miền Bắc và thị trường Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La Tinh.

tăng trưởng sản lượng kinh doanh

6-10

%/năm

Phấn đấu tăng trưởng sản lượng kinh doanh các dòng sản phẩm phân bón từ 6 -10%/năm, tùy theo cơ cấu sản phẩm cụ thể và tỷ trọng từng sản phẩm nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Về doanh thu, cải thiện tốc độ tăng trưởng từ 5 - 10%/năm và phấn đấu đến năm 2025, PVCFC là một trong năm đơn vị có quy mô kinh doanh hàng đầu Việt Nam về doanh thu.

Duy trì thị phần phân bón trong nước tối thiểu 10%/năm trên quy mô toàn quốc.

Về Urê, duy trì tỷ lệ thị phần nội địa từ 30% - 35%/năm.

Về NPK, phấn đấu đáp ứng từ 5% - 10% thị phần trong nước và tập trung chiếm lĩnh thị trường mục tiêu trong nước ít nhất 20%/thị trường.

Về các dòng sản phẩm phân bón khác: Phấn đấu đáp ứng từ 5% - 15% tùy theo phân khúc sản phẩm cụ thể.

Tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm cốt lõi Urê tại thị trường trong nước. Tùy thời kỳ, để giảm nguy cơ dư thừa nguồn cung Urê trong nước, PVCFC chủ động triển khai kênh xuất khẩu hợp lý và bảo đảm cân đối cung cầu nội địa ở mức hợp lý.

Về NPK, PVCFC phấn đấu gia tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhất là các thị trường mục tiêu vùng ĐBSCL, khu vực ĐNB & TN và thị trường chiến lược ở Campuchia.

Bên cạnh dòng sản phẩm vô cơ, PVCFC từng bước mở rộng danh mục và khai thác phân khúc phân bón hữu cơ với sản phẩm OM CAMAU nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trong tình hình mới.

Ngoài ra, để chủ động trong việc kinh doanh các sản phẩm phân bón khác, PVCFC nghiên cứu, khai thác thêm mảng xuất nhập khẩu để tổ chức nhập khẩu các nguồn hàng phân bón DAP, Kali, NPK, SA phục vụ nhu cầu về nguyên liệu của Nhà máy NPK và các nhà phân phối khác trong nước.

mục tiêu có

15.000+

đại lý cấp 2

Tiếp tục kiện toàn, phát triển và mở rộng hệ thống phân phối các cấp, định hướng giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng thống phân phối cấp 1 gấp 2 lần so với hiện tại và tăng trưởng thống phân phối cấp 2 hàng năm đạt 5%/năm và mục tiêu ít nhất có 15.000 đại lý cấp 2.

Việc phát triển thống phân phối là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm NPK và các sản phẩm khác trong bối cảnh PVCFC bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu thách thức mới.

Về thị trường mục tiêu, trọng tâm vẫn là ưu tiêu phát triển, kiện toàn thống phân phối các cấp tại khu vực ĐBSCL, ĐNB & TN, Campuchia, song song với việc phát triển mô hình thống phân phối trên nền tảng ứng dụng hiệu quả CNTT vào công tác bán hàng, quản trị hệ thống phân phối nhằm vươn lên làm chủ thị trường và cạnh tranh thắng lợi so với các đối thủ cạnh tranh.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển trên cơ sở dành thêm nhiều nguồn lực từ vật chất, phát triển nhân sự, bổ sung trang thiết bị, phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại phục vụ tối đa cho R&D. Mục tiêu ưu tiên của R&D là đưa ra các dòng sản phẩm phân bón mới có giá trị cao hơn sản phẩm hiện tại, giá thành cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của nông dân và hệ thống phân phối, bảo đảm hiệu quả kinh tế và quy mô kinh doanh ở từng thị trường.

Về giải pháp, ngoài nguồn lực nội bộ, PVCFC ưu tiên tìm kiếm, lựa chọn, mạnh dạn đi đầu trong việc phối hợp với các tổ chức Viện, Trường, Trung tâm cả trong và ngoài nước thông qua đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có uy tín và nhằm mục tiêu chế tạo sản phẩm/giải pháp dinh dưỡng có hàm lượng chất xám cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường và khách hàng trong tương lai.

Căn cứ vào nguồn lực nội tại, PVCFC nghiên cứu và triển khai thí điểm mua bán, sáp nhập một số dự án đầu tư có tính khả thi cao nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng giá trị của đơn vị, ưu tiên tối đa cho thị trường trong nước. Mục tiêu M&A, ngoài việc đáp ứng mục tiêu tài chính, kinh doanh còn đảm bảo tính định hướng về cạnh tranh, mở rộng phát triển thương hiệu, kiểm soát khâu phân phối và trên hết bảo đảm duy trì khả năng cạnh tranh dài hạn của PVCFC trên thị trường trong 10 - 20 năm tới.

GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG

1

Duy trì và vận hành Cụm nhà máy Đạm Cà Mau (Urê, NPK) ổn định, an toàn, hiệu quả; Tiếp tục duy trì công suất hoạt động của Nhà máy Urê với công suất tối ưu như kết quả đạt được trong thời gian qua (từ 108 - 112%/năm) nhằm thực hiện bài toán tối ưu hóa về quy mô của Công ty.

2

Bám sát kế hoạch kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để triển khai hoạt động sản xuất hiệu quả trên cơ sở bảo đảm khả năng cung ứng tối đa hàng hóa cho thị trường trong nước; duy trì tồn kho hợp lý tại nhà máy; bố trí, điều động hàng hóa đi các khu vực khác cũng như xây dựng lịch bảo dưỡng phù hợp để không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

3

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trong mọi khâu, đối với tất cả nguyên liệu chính phục vụ sản xuất sản phẩm thành phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng thành phẩm trước khi cung ứng ra thị trường để bảo đảm mọi sản phẩm của PVCFC sản xuất ra đều đạt chất lượng cao nhất đáp ứng và vượt yêu cầu của khách hàng.

4

Tiếp tục triển khai hoạt động tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất trên cơ sở phát huy sáng kiến đổi mới kỹ thuật của đội ngũ quản lý, vận hành và tập thể công nhân có tay nghề cao của Nhà máy Đạm Cà Mau; Phấn đấu giảm mức tiêu hao thực tế các nguyên liệu chính như khí, điện, hóa chất bằng hoặc thấp hơn các bộ định mức tiêu chuẩn, đồng thời tuân thủ quy định về chất lượng, an toàn trong mọi hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm của Công ty; Xây dựng kế hoạch bảo dưỡng định kỳ với chi phí hợp lý và tiết giảm thời gian bảo dưỡng tổng thể của nhà máy nhằm đáp ứng kịp thời công tác kinh doanh đã đề ra.

5

Đầu tư ngân sách thỏa đáng cho công tác R&D để bổ sung kịp thời nguồn lực về trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nhà máy chế biến; Xây dựng cơ chế đãi ngộ tốt để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về làm việc tại Công ty; Phối hợp với các Trung tâm/Viện/Trường/Nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp, phân bón nhằm chế tạo các sản phẩm phân bón có giá trị cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng đa dạng của thị trường và khách hàng.

1

Tập trung tối đa nguồn lực duy trì, phát triển thị trường mục tiêu có thế mạnh về phát triển nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên là thị trường trù phú, có lợi thế về nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và có quy mô thị trường lớn, đủ khả năng hấp thụ sản lượng phân bón lớn của các nước; Nghiên cứu, liên kết xây dựng mô hình sản xuất “Nông nghiệp công nghệ cao” áp dụng cho các đối tượng cây trồng đặc thù ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL, ĐNB, Tây Nguyên trong các năm tiếp theo.

2

Phát triển hệ thống phân phối theo cả chiều dọc và chiều sâu nhằm gia tăng số lượng đại lý, tăng cường nhiều điểm bán hàng (POS) tại từng tỉnh, khu vực để bảo đảm mở rộng độ phủ của sản phẩm tại các thị trường chính cũng như cải thiện chất lượng hệ thống phân phối theo hướng gia tăng lượng tiêu thụ tại từng POS, mang lại hiệu quả cho chuỗi hệ thống phân phối các cấp.

3

Đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng logistic, phát triển hệ thống kho vận phù hợp với định hướng và chiến lược kinh doanh ở các khu vực, đáp ứng đa mục tiêu như dự trữ cho các hệ thống phân phối; phục vụ kịp thời mùa vụ của bà con nông dân; dự trữ nguyên vật liệu; cân đối bài toán về chi phí logistic và xu hướng giá hàng hóa nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh các sản phẩm của Công ty và hàng tự doanh trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động lớn cũng như nguy cơ tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu như đã chứng kiến trong thời gian qua.

4

Tiếp tục khai thác phân khúc thị trường quốc tế trên cơ sở lợi thế, thế mạnh am hiểu thị trường khu vực Châu Á, nhất là Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La Tinh từ đó cải thiện tỷ trọng xuất khẩu ngành hàng phù hợp trong bối cảnh ngành phân bón luôn chịu tác động có tính chu kỳ mùa vụ cao độ, qua đó giảm áp lực tồn kho tại Nhà máy/Tổng kho và triển khai chiến lược bán hàng hợp lý trong từng thời kỳ.

5

Duy trì chính sách bán hàng linh hoạt, hấp dẫn với các đại lý, nhà phân phối, đối tác trong và ngoài nước, nhà môi giới để tiếp tục bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất - kênh phân phối cũng như hướng đến mục tiêu chiến lược là duy trì lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và cạnh tranh thắng lợi với các đối thủ nước ngoài.

6

Duy trì, củng cố chiến lược maketing đối với các sản phẩm chủ lực Urê và nâng cấp, phát triển chiến lược marketing đối với sản phẩm mới, nhất là sản phẩm chiến lược như NPK, hữu cơ, sản phẩm gốc Urê tại thị trường trong nước theo xu hướng thân thiện với môi trường, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững, hiệu quả; Hoàn thiện chiến lược marketing tổng thể cho thương hiệu “Phân Bón Cà Mau” bao gồm bộ danh mục sản phẩm Đạm Cà Mau, phân bón NPK Cà Mau, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh.

7

Tăng cường công tác nghiên cứu và dự báo thị trường trên cơ sở thường xuyên theo dõi, cập nhật sát sao giá phân bón thế giới và trong nước; nhu cầu và nguồn cung trong nước; mùa vụ, cây trồng, thời tiết, dịch bệnh, giá nông sản; áp lực cạnh tranh từ trong nước và quốc tế từ đó nâng cao khả năng dự báo giá phân bón; đánh giá và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó hữu hiệu trong bối cảnh môi trường vĩ mô có thể biến động lớn trong thời gian tới.

1

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty theo các chương trình, kế hoạch hàng năm được phê duyệt nhằm bảo đảm tuân thủ theo lộ trình kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh đã xây dựng và hoàn thành các mục tiêu đề ra; Kiện toàn, hoàn thiện các Ủy ban, phân cấp cho các Tiểu ban trực thuộc HĐQT và giao quyền cho các thành viên HĐQT để chủ động thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

2

Không ngừng nâng cao năng lực xây dựng, triển khai, thực thi công tác quản trị Công ty trên cơ sở tuân thủ Điều lệ Công ty, quy định của pháp luật; của Tập đoàn; Quy chế quản trị Công ty và quy chế đạo đức nghề nghiệp của thành viên HĐQT; Thực hành “Thông lệ quản trị Công ty” tiên tiến trên thế giới và Việt Nam nhằm giúp nâng cao hiệu quả quản trị, góp phần thực hiện tốt chiến lược, kế hoạch kinh doanh của Công ty.

3

Thực hiện đề án “Tái cơ cấu” Công ty theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Tập đoàn theo định hướng giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại PVCFC, đồng thời vẫn duy trì và nâng cao giá trị phần góp của chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp; Nâng cao vai trò của đại diện nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu, tinh giảm bộ máy tổ chức, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Công ty.

4

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức trực thuộc PVCFC trên cơ sở bố trí nhân lực phù hợp với tính chất, nội dung của công việc; Kiến tạo môi trường làm việc hấp dẫn để tập thể người lao động yên tâm đóng góp, cống hiến cho Công ty; Xây dựng cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động, đáp ứng mục tiêu thu hút, phát triển nhân sự mới, nhất là nhân sự có tay nghề cao, chuyên môn cao cấp về làm việc cho Công ty; Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng thông qua nền tảng E-learning, từ đó hướng tới quá trình học tập lâu dài, liên tục và phát triển khả năng tự học của người lao động.

1

Thực hiện chủ trương của Nhà nước và chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PVCFC tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nắm giữ phần vốn góp của Tập đoàn tại PVCFC theo lộ trình đề ra trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của Nhà nước; Nghiên cứu, xem xét áp dụng hình thức phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) nhằm tri ân công sức đóng góp của người lao động cũng như đáp ứng mục tiêu duy trì, phát triển nhân sự, nhất là nhân sự có chuyên môn, tay nghề cao và có nhiều đóng góp cho Công ty.

2

Với thế và lực của PVCFC ngày càng cải thiện, nhất là năng lực về tài chính không ngừng gia tăng trong 10 năm qua, hiện nay có nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước đang phối hợp, đề xuất tham gia các dự án đầu tư tiềm năng. Do đó, căn cứ vào điều kiện thực tế và mục tiêu chiến lược của Công ty, PVCFC sẽ xem xét, nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm một số dự án như M&A, liên doanh, liên kết; đầu tư 100% vốn vào một số lĩnh vực gắn với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty như: nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất kinh doanh phân bón; hóa chất nhằm hoàn thiện hơn nữa chuỗi giá trị của Công ty trong giai đoạn mới.

3

Trên cơ sở Thông lệ quản trị Công ty tiên tiến, PVCFC đặc mục tiêu hướng tới xây dựng, lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Tất nhiên, việc này cần có thời gian chuyển đổi vì Chuẩn mực IFRS còn khá mới ở Việt Nam và tỷ lệ áp dụng vào thực tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn khá khiêm tốn. Hiện PVCFC đã làm việc với các đối tác tư vấn chiến lược có uy tín và lên lộ trình triển khai dự án theo từng giai đoạn cụ thể.

Lãnh đạo PVCFC và các kỹ sư trong buổi lễ ra mắt sản phẩm NPK Cà Mau