Báo cáo thường niên: PBCM

KẾT QUẢ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH NĂM 2021

Tình hình sản xuất kinh doanh

Tình hình sản xuất kinh doanh

Trong năm 2021, bên cạnh thuận lợi do giá bán tăng mạnh thì PVCFC cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực thực hiện các giải pháp tối ưu hóa năng lượng/nguyên liệu, tiết kiệm/tiết giảm chi phí, duy trì vận hành nhà máy an toàn ổn định và linh động trong công tác bán hàng, PVCFC đã hoàn thành vượt mức đa số các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021. Cụ thể như sau (theo Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của PVCFC):

Ghi chú: Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 thực hiện theo công bố 2064/PVCFC-IR ngày 27/12/2021 của PVCFC. Các chỉ tiêu này được điều chỉnh thay thế các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được thông qua tại Nghị quyết phiên họp thường niên năm 2021 số 854/NQ-PVCFC ngày 27/04/2021.

Dự án đầu tư sản xuất phân bón phức hợp từ Urê nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm chậm tiến độ so với kế hoạch; Từ ngày 1/12/2021 nhà bản quyền đã phối hợp cùng Tổng thầu và PVCFC kiểm tra toàn bộ dây chuyền và tiến hành chạy thử sản phẩm công thức NPK 20-20-15, 16-16-8,…

Ngoài ra, PVCFC cũng triển khai một số dự án khác như: Dự án cải hoán và cung cấp CO2 thô, dự án kho chứa nguyên liệu Long An, dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển,...

Tổng giá trị thực hiện đầu tư và mua sắm trang thiết bị trong năm 2021 là 72,58 tỷ đồng đạt 75% kế hoạch.

Trong năm 2021, PVCFC đã xây dựng và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các ban/phòng chức năng; Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các Quy chế, Quy định và Quy trình hoạt động theo mô hình mới phù hợp với mục tiêu chiến lược Công ty.

Trong quý III/2021 Hội đồng Quản trị Công ty đã thành lập Ủy ban Kiểm toán và Quản trị rủi ro, Ủy ban Quản trị, Nhân sự & Lương thưởng để hoàn thiện mô hình quản trị theo thông lệ tốt, đảm bảo các hoạt động tại Công ty vận hành hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật, điều lệ công ty và các quy chế, quy trình nội bộ.

Công tác quản trị luôn được Ban lãnh đạo PVCFC chú trọng hàng đầu, tiên phong đưa vào ứng dụng các công cụ hệ thống quản trị tiên tiến, thực hiện chuyển đổi công nghệ số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp,... cụ thể:

  • Trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2021, công ty đã thích nghi “sống chung với đại dịch”, hạn chế tối đa tác động của việc giãn cách xã hội làm đình trệ, gián đoạn cung ứng nhờ có sự chuẩn bị tốt các nền tảng công nghệ.
  • Triển khai dự án tăng cường năng lực quản trị Công ty: Thành lập Ban dự án điều phối thực hiện các khuyến nghị của IFC: (i) Cam kết Công ty áp dụng các thực tiễn Quản trị Doanh nghiệp tốt; (ii) Xây dựng và công bố Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Kinh doanh; (iii) Cải thiện việc công bố thông tin trong báo cáo thường niên để thể hiện cam kết của Công ty đối với tiêu chí bền vững (ESG); (iv) Chính sách quản trị quyền lợi các bên liên quan; (v) xây dựng kế hoạch triển khai dự án thúc đẩy bình đẳng giới tại PVCFC.
  • Xây dựng báo cáo tài chính, báo cáo quản trị theo thông lệ quốc tế IFRS; Quản trị hoạt động R&D và tài sản trí tuệ, quản lý rủi ro,… nhằm tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn nhà đầu tư và nâng cao giá trị doanh nghiệp.
  • Tái tạo văn hóa PVCFC: Về cơ bản đã xây dựng xong phần văn hóa bản sắc và đang tập trung vào giai đoạn sống với văn hóa bản sắc.

Tính đến ngày 31/12/2021, PVCFC chỉ đầu tư vào một (01) Công ty con - Công ty Cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam (PPC), với số vốn góp là 20,83 tỷ đồng, chiếm 51,03% vốn điều lệ. Trong năm 2021, PPC đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 5,8 tỷ đồng đạt 102,2% kế hoạch, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đạt 12,08%.

Công ty Cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam (PPC)

VỐN GÓP CỦA PVCFC

20,83

tỷ đồng

Hệ thống kiểm soát nội bộ của Công ty được thiết lập ngay từ những năm đầu thành lập Công ty và được quan tâm, chú trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát tuân thủ, hoạt động, tài chính, rủi ro của Công ty.

Công ty đã hoàn thiện mô hình quản trị theo 03 tuyến. Các quy trình nội bộ, hệ thống quản lý rủi ro đươc xây dựng theo chuẩn COSO, công tác kiểm toán nội bộ cũng được HĐQT rất quan tâm và đã thuê tư vấn rà soát lại quy trình, quy chế kiểm toán nội bộ, xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ 03 năm và xây dựng bản đồ đảm bảo nhằm giúp 3 tuyến quản trị hoạt động hiệu quả.

Hiện hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của Công ty đang vận hành tốt, có hiệu quả. Các rủi ro hàng đầu được sớm nhận diện và đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.

Thẩm định báo cáo tài chính

Ban Kiểm soát đã tiến hành thẩm định báo cáo tài chính quý, bán niên, năm 2021 đảm bảo tính đúng đắn, minh bạch trong các báo cáo. Kết quả thẩm định như sau:

  • Báo cáo tài chính đã phản ánh đầy đủ, trung thực, hợp lý trên khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty tại thời điểm ngày 31/12/2021, cũng như kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021.
  • Việc ghi chép, mở sổ kế toán, phân loại các nội dung kinh tế phù hợp với chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành.
  • Các chỉ số tài chính cơ bản cho thấy tình hình tài chính của Công ty lành mạnh, đảm bảo khả năng thanh toán, bảo toàn và phát triển vốn, cụ thể:
  • Tỷ số thanh toán hiện hành đạt 2,28 lần
  • Tỷ số thanh toán nhanh đạt 1,59 lần
  • Hệ số nợ/Tổng tài sản đạt 0,32 lần
  • Hệ số nợ/Vốn chủ sở hữu đạt 0,48 lần
  • Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26,46%
  • Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên tổng tài sản (ROA) đạt 18,46%
  • Hệ số bảo toàn vốn tại thời điểm 31/12/2021 đạt 1,2 lần (VCSH hợp nhất tại 31/12/2021 là 7.478 tỷ đồng; VCSH hợp nhất tại 31/12/2020 là 6.326 tỷ đồng).

ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM VÀ TÍNH ĐỘC LẬP CỦA KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

Công ty TNHH PricewaterhouseCooper (PwC) Việt Nam được lựa chọn kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 của PVCFC. PwC đã thực hiện soát xét và kiểm toán BCTC bán niên, năm 2021 một cách cẩn trọng, độc lập, khách quan. Đơn vị kiểm toán đã tuân thủ chuẩn mực và các quy định đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện kiểm toán. Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính đã phản ánh một cách đầy đủ, trung thực, hợp lý tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, TỔNG GIÁM ĐỐC VÀ NGƯỜI ĐIỀU HÀNH KHÁC

  • Trong năm 2021, HĐQT đã họp 12 phiên theo định kỳ 1 lần/tháng và 34 lần lấy ý kiến bằng văn bản để chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động của Công ty, xem xét tình hình sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư, đặc biệt đôn đốc tiến độ dự án NPK và có chỉ đạo kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra HĐQT còn tổ chức và tham gia 39 phiên họp/đào tạo khác (21 cuộc họp chuyên đề, 9 buổi đào tạo và 9 cuộc họp ngắn để xử lý các tờ trình của TGĐ) để trao đổi chuyên sâu các công việc chuyên môn hay định hướng chiến lược và chỉ đạo Ban điều hành triển khai, thực hiện.
  • HĐQT đã ban hành 64 văn bản bao gồm các Nghị quyết, Quyết định và các Chỉ thị liên quan đến hoạt động của PVCFC theo đúng trình tự, thẩm quyền quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
  • HĐQT đã chú trọng việc nâng cao năng lực quản trị Công ty, đã thuê các đơn vị tư vấn (IFC, Deloitte,… ) để đánh giá tình hình quản trị Công ty, qua đó xây dựng lộ trình để phù hợp với thông lệ quản trị công ty tốt. HĐQT đã thành lập Ủy ban Kiểm toán và quản trị rủi ro, Ủy ban Quản trị, Nhân sự & Lương thưởng để tăng cường công tác quản trị và phát huy vai trò giám sát của các Ủy ban. Các thành viên HĐQT độc lập đảm nhiệm vị trí Chủ tịch các Ủy ban nhằm tăng tính độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ của các Ủy ban.
  • Các thành viên HĐQT tham gia đầy đủ các cuộc họp và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Trong năm 2021 HĐQT đã thực hiện tốt vai trò giám sát, chỉ đạo, cũng như định hướng chiến lược và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ban Tổng Giám đốc thực hiện công tác điều hành hoạt động SXKD của Công ty.
  • Các thành viên HĐQT độc lập đã phát huy tốt vai trò của mình, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo lợi ích chung của Công ty và Cổ đông.
  • Ban Tổng Giám đốc nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của HĐQT và ĐHĐCĐ.
  • Ban Tổng Giám đốc điều hành hoạt động SXKD của Công ty một cách linh hoạt, chủ động và đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu SXKD năm 2021.
  • Báo cáo của Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc trình ĐHĐCĐ đã phản ánh đầy đủ, trung thực công tác quản lý, điều hành và kết quả hoạt động của Công ty.

ĐÁNH GIÁ SỰ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA BAN KIỂM SOÁT, HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, BAN TỔNG GIÁM ĐỐC VÀ CÁC CỔ ĐÔNG

  • Sự phối hợp hoạt động giữa Ban Kiểm soát đối với hoạt động của Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc dựa trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, tuân thủ các quy định Pháp luật, quy định Công ty nhằm đảm bảo lợi ích của Công ty và cổ đông.
  • Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc đã phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Kiểm soát trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan, mời tham gia đầy đủ các cuộc họp và thực hiện các khuyến nghị của Ban Kiểm soát.
  • Ban Kiểm soát đã phối hợp chặt chẽ với HĐQT, Ban Tổng Giám đốc trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tại Công ty để có những biện pháp xử lý kịp thời những vấn đề tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định hiện hành của cơ quan quản lý Nhà nước.
  • Ban Kiểm soát đã thực hiện hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo với cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

KIẾN NGHỊ CỦA BAN KIỂM SOÁT

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tại PVCFC theo kế hoạch năm 2022 tiếp tục đạt hiệu quả cao, Ban Kiểm soát kiến nghị một số nội dung như sau:

1

Tiếp tục nâng cao công tác quản trị theo thông lệ tốt, đặc biệt là công tác quản trị rủi ro.

2

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm để tăng tính linh hoạt và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

3

Tiếp tục thực hiện công tác tiết kiệm/tiết giảm chi phí, tối ưu hóa năng lượng nhằm giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

4

Hoàn thành công tác quyết toán dự án NPK và xây dựng kế hoạch cụ thể tiêu thụ sản phẩm NPK đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao.

KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KIỂM SOÁT NĂM 2022

Trong năm 2022, thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm của Ban Kiểm soát theo quy định tại Luật doanh nghiệp, Điều lệ Công ty và nhiệm vụ ĐHĐCĐ thường niêm 2022, Ban Kiểm soát tập trung kiểm tra giám sát các nội dung chính sau:

1

Kiểm tra/giám sát tình hình thực hiện và tuân thủ Điều lệ, Luật Doanh nghiệp, pháp luật Nhà nước; tình hình thực hiện và tuân thủ Quy chế, Nghị quyết, Quyết định, chỉ thị của Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty.

2

Kiểm tra/giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022; tình hình tài chính, cân đối vốn và quản lý dòng tiền, hiệu quả hoạt động và khả năng thanh toán nợ, tình hình quản lý và sử dụng vốn, bảo toàn và phát triển vốn.

3

Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch SXKD quý, năm 2022; tình hình triển khai các các dự án đầu tư.

4

Thẩm định báo cáo tài chính quý, bán niên, năm của PVCFC.

5

Lập các báo cáo trình ĐHĐCĐ và thực hiện các nhiệm vụ khác theo đúng quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp và điều lệ Công ty.

ĐỀ XUẤT LỰA CHỌN ĐƠN VỊ KIỂM TOÁN

Trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực các công ty Kiểm toán độc lập, Ban Kiểm soát Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau kính trình Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng Quản trị lựa chọn một trong các công ty kiểm toán sau: Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Công ty TNHH KPMG (Việt Nam), Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Công ty TNHH PwC (Việt Nam) thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.