Đối với urê, dự kiến nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2023 phục hồi trở lại so với năm
2022. Thị trường chủ yếu kỳ vọng nhu cầu của người dùng sẽ gia tăng để bù đắp sau
một năm cắt giảm mạnh toàn bộ các chất dinh dưỡng cho cây trồng cùng với khả năng
giá urê trong nước giảm do giá thế giới giảm trong năm 2023 sẽ giúp người dân tiếp
tục tăng đầu tư vào phân bón nhằm tăng năng suất sản xuất. Tuy nhiên nhiều khả năng
nhu cầu tiêu thụ phân bón của Việt Nam sẽ vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2021. Cụ
thể, AgroMonitor ước tính nhu cầu phân bón của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10-18% so với
năm 2022 nhưng sẽ thấp hơn khoảng 8-13% so với 2021. Trong đó, dự kiến tăng mạnh
chủng loại DAP (28-46%), urê (12-16%), Kali (15-26%), các chủng loại khác tăng thấp
hơn NPK (7-14%), SA (7-11%),...
Đối với NPK, AgroMonitor dự báo năm 2023 tình hình sản xuất và tiêu thụ sẽ diễn biến
cùng chiều, trong đó phục hồi chậm trong nửa đầu năm và có thể sẽ khả quan hơn trong
các tháng cuối năm nếu giá phân đơn có sự suy giảm đáng kể. Về nhập khẩu, trong đầu
năm 2023 dự báo có sự quay trở lại của hàng Nga sau khi ngưng nhập từ tháng 7/2022
(các nhà nhập khẩu đã ký mua từ cuối năm), tuy nhiên giá đồn đoán chưa giảm đáng kể
so với các đơn hàng từ giữa năm 2022 và lượng NPK nhập từ Nga còn chịu hạn ngạch
xuất khẩu NPK trong nửa đầu năm 2023. Nguồn NPK từ Trung Quốc được kỳ vọng gia tăng
trong bối cảnh đồn đoán Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng dần các chính sách xuất khẩu
trong năm 2023.
Nguồn cung Kali tại Việt Nam phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, do đó năm 2023 tiếp tục
chịu tác động bởi nguồn cung và giá cả trên thế giới. Các chuyên gia của ICI dự báo
năm 2023 nguồn cung Kali thế giới cũng có thể chưa được đảm bảo do các biện pháp
trừng phạt đối với Belarus và Nga vẫn còn duy trì… do đó giá MOP có thể vẫn ở mức
cao. Tuy nhiên, sau khi nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam và thế giới đều đã giảm mạnh
trong năm 2022 thì thị trường kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục trong năm 2023 mặc dù khó
quay về mức năm 2021. AgroMonitor dự báo tiêu thụ Kali tại Việt Nam năm 2023 sẽ tăng
24-35% so với năm 2022 lên mức 230-250 nghìn tấn, tuy nhiên vẫn giảm 110-130 nghìn
tấn so với năm 2021. Lượng nhập khẩu cũng dự báo tăng lên mức 800-900 nghìn tấn,
tăng 250-350 nghìn tấn so với năm 2022 nhưng vẫn giảm 300-400 nghìn tấn so với năm
2021.
Đối với DAP, trong năm 2023 nguồn nhập khẩu dự kiến tăng so với năm 2022, tuy nhiên
mức tăng có thể rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2023. AgroMonitor dự đoán nhập khẩu
DAP trong năm 2023 tăng lên mức 350-400 nghìn tấn, tăng trên 20% so với mức 292
nghìn tấn năm 2022, và quay về mức năm 2021 – năm 2021 Trung Quốc bắt đầu siết chặt
hoạt động xuất khẩu do giá DAP leo thang vì khủng hoảng năng lượng. Tiêu thụ DAP nội
địa (cho cây trồng và sản xuất NPK) trong năm 2023 tăng lên mức 570-650 nghìn tấn,
tăng so với mức 445 nghìn tấn năm 2022, nhưng vẫn giảm so với mức 770 nghìn tấn năm
2021. Về sản xuất nội địa, theo kế hoạch sản xuất của các nhà máy DAP trong năm
2023, sản xuất sẽ theo hướng gia tăng trở lại, sau khi cũng giảm mạnh trong năm
2022. Tuy nhiên, các nhà máy sẽ theo dõi tình hình cung cầu và xu hướng giá để linh
hoạt điều chỉnh sản xuất theo tình hình thực tế. Dự báo, lượng sản xuất năm 2023 đạt
400-420 nghìn tấn, tăng so với mức 337 nghìn tấn năm 2022.